Triết học chủ nghĩa Khách quan là gì? Có phải là chủ nghĩa Rand (Randism) không?

Ayn Rand là người sáng lập nên triết lý này; Rand khẳng định, tên gọi thích hợp và duy nhất cho triết lý này là Chủ nghĩa Khách quan.

"Có nghĩa là một triết lý dựa trên thực tại khách quan. Để tôi giải thích triết lý của mình một cách cô đọng nhất có thể. Đầu tiên, triết lý của tôi dựa trên quan niệm rằng hiện thực tồn tại khách quan tuyệt đối, rằng tâm trí của con người, lý trí là công cụ nhận thức thực tại đó và con người cần một nền đạo đức duy lý. Tôi chính là người sáng tạo ra một bộ qui chuẩn đạo đức mới, mà cho đến nay người ta cho là không thể có được, gọi là nền đạo đức không dựa vào đức tin".
Trích bài phỏng vấn Ayn Rand của Mike Wallace. Tham khảo toàn bộ bài viết tại Youtube channel Reason LLC Channel

Đạo đức không dựa vào đức tin hay đạo đức chủ nghĩa Khách quan là gì?

Đây chỉ là phần giới thiệu thôi. Đạo đức của tôi dựa trên việc xem cuộc đời của một người như là tiêu chuẩn giá trị [của chính họ] và do đó, tâm trí của con người là công cụ thiết yếu để tồn tại. Tôi cho rằng, một khi ai đó muốn sống trên trái đất này và sống thực thụ như một con người, họ phải nắm vững lý lẽ như là một điều tuyệt đối. Nói như vậy có nghĩa là bản thân phải giữ vững lý trí như sự chỉ dẫn duy nhất cho hành động của chính mình. Và bản thân phải sống bằng chính đầu óc đánh giá độc lập của mình. Và mục đích đạo đức tối thượng của con người là hoàn mãn hạnh phúc của chính mình. Và một người nhất định không được thúc ép người khác cũng như không để cho người khác có quyền ép buộc mình. Mỗi người phải sống vì mục đích của bản thân và theo đuổi tư lợi duy lý của chính mình.
Trích bài phỏng vấn Ayn Rand của Mike Wallace. Tham khảo toàn bộ bài viết tại Youtube channel Reason LLC Channel

Yêu thương người khác có gì sai? Tại sao Rand lại cho rằng nó không thuộc về đạo đức (immoral)?

Điều đó không thuộc về đạo đức nếu như tình yêu được đặt cao hơn chính bản thân một ai đó. Điều đó hơn cả vô đạo đức, nó bất khả thi vì ông yêu thương mọi người một cách tùy tiện, kiểu yêu bất chấp tiêu chuẩn, chẳng thèm quan tâm xem thực tế là người đó có bất kỳ giá trị hay đức hạnh gì không, ông chẳng có ai để yêu kiểu đó đâu.
Trích bài phỏng vấn Ayn Rand của Mike Wallace. Tham khảo toàn bộ bài viết tại Youtube channel Reason LLC Channel

Nếu không chấp nhận đạo đức vị tha, vậy, ta không nên tha thứ cho người khác sao? Khi nào tha thứ là một tội lỗi?

Tha thứ là một tội lỗi nếu bạn chấp nhận nó như một nguyên tắc, hay nói cách khác, nó đồng nghĩa với việc thỏa hiệp, làm ngơ, cho phép mọi người vi phạm quyền của bạn.

Điều này không có nghĩa là luôn luôn sai khi tha thứ cho một cá nhân, tùy thuộc vào những gì họ đã làm, có thể chuộc tội được hay không và liệu họ có đưa ra cho bạn bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ đã chuộc lỗi hay không. Ví dụ, bạn không thể tha thứ cho ai đó giống như Adolf Hitler, cho dù ông ta có đến gặp bạn và nói rằng “Ta xin lỗi, ta đã thay đổi quyết định”, điều đó đơn giản là nằm ngoài ranh giới. Nhưng với quy mô tội phạm nhỏ hơn, giả sử người đó sẽ bồi thường nếu có thể và sau đó cung cấp cho bạn bằng chứng rằng anh ta thực sự thành khẩn, lúc này sự tha thứ từ phía bạn sẽ chỉ đơn giản là thừa nhận hiện thực. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng không phải chỉ cần nói: “Tôi xin lỗi, tôi ước gì tôi đã không làm điều đó” là được. Người đó phải thực sự chứng minh trong một khoảng thời gian đáng kể, và bằng nhiều hành động khác nhau rằng anh ta đã thay đổi tính cách bên trong bản thân anh ta do cú sốc của tội ác mà anh ta đã phạm phải, rằng anh ta sẽ không tái phạm hành động đó nữa. Và trong bối cảnh đó, tôi sẽ nói rằng việc tha thứ cho anh ấy là hoàn toàn thích hợp, giả sử bạn không mất đi một giá trị không thể thay thế trong quá trình này.

Nhưng nếu anh ta đã cố ý gây ra cho bạn điều gì đó, không thể thay thế được đối với bạn, ngay cả khi đó không phải là mạng sống, và giả sử, là một vũ công và anh ta đã đánh gãy chân bạn theo cách mà bạn không bao giờ có thể nhảy được nữa, và anh ta phải trả giá toàn bộ về mặt hình sự, và tưởng tượng, bằng một giả thuyết đáng kinh ngạc nào đó, anh ta đã đến gặp bác sĩ tâm lý trong 25 năm, rằng anh ta đã được chữa khỏi hoàn toàn, v.v. Về mặt lý thuyết, bạn vẫn có thể nói rằng anh ta không phạm tội nữa, nhưng cá nhân tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh ta vì ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi, và bạn hoàn toàn có quyền, trong trường hợp như thế, theo tôi, chắc chắn là vô đạo đức khi để ai đó tổn hại mình mà không phản kháng, tôi không thể nghĩ gì khác hơn là hành động tự-ghét-bản-thân và theo cách đó, tha thứ là một tội lỗi.
Trích bài giảng của Leonard Peikoff tại Boston’s Ford Hall vào 4/1988. Tham khảo toàn bộ bài viết tại Youtube channel Reason LLC Channel

Người vị kỷ có phải là người vô cảm không?

Không. Người vị kỷ cảm nhận được cảm xúc của mình- họ chấp nhận cảm xúc ấy – họ không bị chúng chi phối. Đây là lý do tại sao vị kỉ không phải là chủ nghĩa cảm xúc. Người vị kỷ không bị chi phối bởi cảm xúc. Họ không gán cho cảm xúc một vai trò nhận thức, hoặc vai trò ra quyết định mà chúng không thể thực hiện được. Nhưng họ không xua đuổi cảm xúc của mình, họ không xấu hổ về chúng. Họ xem chúng là nguồn thông tin về họ, về niềm tin và giá trị của chính họ, vốn có thể rất đích đáng, nếu họ phân tích chúng, nếu họ tự suy ngẫm về chúng và chúng tạo ra niềm vui của cuộc sống.
Trích bài nói chuyện của Tara Smith. Tham khảo toàn bộ bài viết tại Youtube channel Reason LLC Channel

Ích kỷ có phải là dẫm đạp người khác không?

Không. Sự vị kỷ duy lí không phải là lợi dụng người khác hay làm tổn thương họ. Chủ nghĩa vị kỷ không kêu gọi một người thao túng, ngược đãi người khác. Lý do đơn giản là: hành hạ người khác không phải là lợi ích của một người. Một định kiến vốn có trong suy nghĩ của nhiều người là: vì lòng vị tha kêu gọi tôi hy sinh cho người khác, sự ích kỷ có nghĩa là người khác phải hy sinh cho tôi. Nhưng toàn bộ khuôn mẫu đó đã bị hiểu sai. Sự hy sinh không phải là một thành tố thiết yếu của chủ nghĩa vị kỷ duy lí.

Vậy sự hy sinh là gì?
Đó là sự từ bỏ một giá trị. Chính xác hơn, hy sinh là hoán đổi một giá trị lớn hơn cho một giá trị nhỏ hơn. Từ bỏ 0,25$ để đổi lấy cơ hội có được 1$ không phải là một sự hy sinh, mà là một khoản đầu tư. Cuộc sống đòi hỏi nhiều trao đổi như vậy: từ bỏ một giá trị nhỏ hơn để đạt được giá trị lớn hơn. Tôi muốn tiết kiệm tiền, nhưng tôi cũng muốn đi học đại học. Và bởi vì vế thứ hai có giá trị hơn đối với tôi, tôi xem xét tất cả mọi thứ, tôi đã đổi tiền tiết kiệm để được đi học. Song, điều đó không phải là một sự hy sinh. Đó là một hành động ích kỷ, và thường là ích kỷ thông minh.

KHÔNG hy sinh bản thân vì người khác và cũng KHÔNG hy sinh người khác vì bản thân mình; theo đuổi lợi ích cá nhân của bạn và thúc đẩy trạng thái của riêng bạn; đó chính là những chỉ dẫn về sự ích kỷ. Một người hoàn toàn có thể sống vì lợi ích bản thân mà không hề gây tổn hại cho người khác.
Trích bài nói chuyện của Tara Smith. Tham khảo toàn bộ bài viết tại Youtube channel Reason LLC Channel