Álvarez: Chào mừng mọi người đến với chương trình tìm hiểu về triết học chủ nghĩa Khách quan, qua nhiều phạm trù khác nhau, cùng với các thành viên đến từ Học Viện Ayn Rand. Buổi thảo luận này, tôi đang ngồi cùng với Onkar Ghate. Cảm ơn ông rất nhiều vì đã đến, ông Onkar, người hiện đang là giảng viên chính tại Học Viện Ayn Rand. Và cả Ben Bayer, cũng cảm ơn ông rất nhiều vì đã tham dự, ông hiện là giảng viên cũng như là thành viên tại Học Viện Ayn Rand. Vậy, chúng ta sẽ nói một chút về khái niệm của ý chí tự do, điều định đoạt sự tự do, quyền cá nhân, sự ra quyết định của chúng ta, rằng có thật chúng ta làm chủ những quyết định của bản thân, có hoặc không, và tôi muốn tìm hiểu sâu thêm về những điều tương tự như việc phản biện về ý chí tự do, chúng ta tự do đến mức độ nào. Vì vậy, gửi đến quý khán giả đang xem chương trình hôm nay, đây là bước tiến mà chúng tôi cố gắng mang lại nhằm giúp các bạn có thể hiểu được những cách tiếp cận khác nhau đối với chủ nghĩa Khách quan. Phần còn lại của chương trình, chúng ta sẽ luận bàn về những điều như tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật và tất cả các phương thức mà trường phái triết học này cần cung cấp cho các bạn. Vì vậy, tôi muốn bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi “Ý chí tự do là gì?” Có phải nó là một khái niệm gắn liền với tôn giáo, giống như cách tôi nghĩ rằng con người đã quen với việc biện hộ cho điều ác trên thế giới, đúng không? Chúng ta luôn được nghe họ nói rằng “Ồ, điều ác xảy ra trên thế giới không phải bởi Chúa có sai sót, mà bởi vì tồn tại ý chí tự do và loài người-họ cố ý dùng nó trái với lẽ phải?”
Onkar: Tôi cho rằng có 2 vấn đề tồn tại song song ở đây, thứ nhất, ý chí tự do là gì, và thứ nữa là liệu ta cần tôn giáo để có được ý chí tự do hay để tạo nên ý chí tự do. Theo tôi thì ý chí tự do, quan niệm cơ bản nhất, là bạn có quyền lựa chọn, nghĩa là ở ngã ba đường đời, ban có thể tự lựa chọn con đường bạn sẽ đi tiếp. Giống như câu thơ của nhà thơ Rober Frost: “Liệu nên chọn đường này hay liều mình chọn đường vắng người qua?”. Và tất cả là do bạn làm chủ, nghĩa là tất cả những điều kiện trước đó, điều mà triết học gọi là yếu tố tiền đề, không quyết định sẵn con đường mà bạn sẽ đi; bạn quyết định điều đó ở thời điểm đó, bằng sự lựa chọn của bạn. Đó là ý nghĩa của việc khi bạn có ý chí tự do, bạn có được sức mạnh như vậy.
Sau đó, có một vấn đề để đạt được sức mạnh đó: có nhất thiết phải có một quan điểm tôn giáo trong việc này? Rằng nếu bạn chỉ là nhà khoa học và nhìn nhận thế giới hoàn toàn qua lăng kính nguồn gốc tự nhiên, thì sẽ không có ý chí tự do nào cả? Và bằng cách nào đó tôn giáo đã truyền thụ sức mạnh này cho con người, đến từng cá thể và điều này cho phép con người chọn con đường tội lỗi. Nhưng tôi nghĩ rằng bạn cần tách rời hai tư tưởng đó ra, và bạn có thể có được quan điểm về ý chí tự do. Dĩ nhiên, về góc nhìn của Ayn Rand thì: ý chí tự do là tự nhiên, là khoa học, hoàn toàn không phải phụ thuộc tôn giáo.
Ben: Lý do mà câu hỏi này thường được nhắc đến bởi vì, cũng như Onkar đã đề cập, quan điểm phổ biến là ‘ý chí tự do là một điều gì đó kỳ diệu, phải là một điều siêu nhiên nào đó’. Nhiều nhà tư tưởng đương đại không nghĩ rằng trong thế giới quan khoa học tồn tại ý chí tự do. Nhưng tôi sẽ đi xa hơn những điều Onkar đã chia sẻ, rằng tôi không nghĩ rằng thế giới quan tôn giáo hàm chứa ý chí tự do.
Khi bạn tin vào một vị thần thánh nào đó, người được cho là biết hết mọi thứ, có quyền lực tối cao, người tạo ra bạn, và tạo ra cả vũ trụ, câu hỏi đặt ra là vị thần thánh đó biết mọi thứ bạn sắp sửa làm trong đời, và người có thể ngăn chặn để bạn không làm bất cứ điều gì bởi vì người có toàn bộ quyền lực, vậy thì tại sao, hay làm thế nào mà bạn vẫn có được ý chí tự do trong trường hợp đó? Đây là vấn đề mà các nhà tư tưởng tôn giáo đã vật lộn trong nhiều năm. Bởi vì theo tôi, người bình thường đều có niềm tin, mà tôi nghĩ niềm tin đúng đó là họ có thể kiểm soát cuộc sống của bản thân; và vì vậy, các nhà thần học còn lại nỗ lực, cố gắng lý giải xem con người thực sự có thể kiểm soát cuộc đời mình bằng cách nào khi mà những đấng tối cao đang điều khiển họ. Họ đưa ra hàng loạt các phương cách khác nhau và các lý giải nhằm hợp lý hóa điều đó. Tôi nghĩ vấn đề đó trải rất rộng. Tôi không nghĩ rằng có ai trong số họ thực sự đi được đến kết luận cuối cùng.
Álvarez: Được rồi, tôi có ở đây là nghịch lý của Epicurus, nói rằng: “Nếu Chúa có thể ngăn chặn cái ác nhưng lại không đủ khả năng thực thi, vậy ngài không còn toàn năng nữa. Nếu ngài có đủ khả năng nhưng lại không quyết định ngăn chặn việc ác, thì ngài thật không nhân từ. Nếu ngài có đủ khả năng, cũng quyết chí muốn thực hiện việc ngăn chặn, vậy cái ác vẫn tồn tại là do đâu mà có? Rồi nếu ngài không đủ khả năng và cũng chẳng muốn làm luôn, vậy, vì sao chúng ta lại gọi ngài là Chúa?” Đây là những gì Epicurus nói, không phải chỉ là Chúa của Thiên Chúa giáo, mà tất cả các chúa trời thần thánh khác. Vậy cũng giống như các ông đã chỉ ra rằng nếu chúng ta có ý chí tự cho, vậy, vai trò của Chúa trong những việc, như định đoạt số mệnh của chúng ta, là gì?
Ben: Tranh luận thường nổ ra khi có một ai đó cố gắng để lý giải nó. Họ hoặc là phải tước bỏ đi một số quyền lực, mà thường được cho là của Chúa, chẳng hạn như khả năng tiên tri hay đấng toàn quyền, hoặc họ phải khước từ khái niệm về ý chí tự do, phải bỏ tư tưởng đó đi; như Onkar đã nói, nó giống như lựa chọn giữa ngã ba đường. Họ sẽ cho rằng: à, chúng ta không thực sự phải đối mặt với những ngã rẽ trên đường mà chúng ta được tự do làm điều chúng ta muốn làm, mặc cho người định đoạt việc đó là Chúa, và vì vậy, kết cục là điều đó dẫn đến việc chối bỏ ý tưởng tự do, và đó không thực sự là điều con người nghĩ họ có.
Onkar: Có một mối quan hệ thực sự tồn tại giữa lăng kính tôn giáo và lăng kính khoa học. Quan điểm của khoa học cho rằng: Dựa vào quan sát những yếu tố tiền đề, có thể nói lên được rằng đây là những gì bạn sẽ làm, và điều đó có nghĩa là bạn không thực sự có được sự lựa chọn cho việc đó. Nếu có một người có thể nói trước khi bạn kịp làm bất cứ điều gì, chẳng hạn như: “Bạn sắp gọi món bò bít tết ở nhà hàng”, vậy thì khi ấy không còn là sự lựa chọn nữa, nó đã bị định đoạt bởi các yếu tố tiền đề. Quan điểm của tôn giáo thì lại cho rằng: Chúa có thể nói trước bất cứ điều gì bạn sắp làm. Bởi ngài biết hết thảy mọi việc trên đời, nên ngài có thể nói trước rằng bạn sẽ đến nhà hàng lúc 7:28 và bạn sẽ gọi món gà, sau đó bạn sẽ làm đổ ly nước của mình. Nếu mọi chuyện đã được dự trù trước thì việc bạn có ý chí tự do còn ý nghĩa gì. Và đó là lý do vì sao tôn giáo hay cả hai tư tưởng đều đang nói lên rằng: “Bạn thực sự chẳng có quyền lựa chọn.”
Ben: Một vấn đề khác đối với hai quan điểm trên (cả quan điểm tôn giáo lẫn duy vật) đó là có một niềm tin thực sự rằng có cách để biết trước điều sẽ làm. Có nghĩa là, theo quan điểm của tôn giáo, hiển nhiên là bạn phải tin rằng Chúa tồn tại và ngài có tất cả những năng lực ấy. Nhưng kể cả những quan điểm được cho là khoa học, vẫn có một niềm tin rằng: Chúng ta có thể dự đoán được quyết định của con người. Nhưng thực tế, cho tới hiện tại, chưa có một ai dự đoán chính xác, và tất cả các bằng chứng đã được thu thập đều chỉ ra rằng có những thứ trong cuộc đời này mà chúng ta không thể lý giải nếu không dùng khái niệm về ý chí tự do.
Álvarez: Vậy, sự thật là, rõ ràng chúng ta có ý chí tự do, khiến chúng ta trở thành nhân vật chính của cuộc đời mình, đúng không? Chúng ta không phụ thuộc vào bố mẹ, bạn bè, hay các nhà chính trị gia quyết định cho chúng ta. Tất cả đều do chúng ta và khả năng tự chịu trách nhiệm cho bất cứ một kết quả nào mà chúng ta đã tạo ra, đúng không?
Onkar: Điều này còn tùy thuộc vào cách bạn định nghĩa ý chí tự do. Có hai vấn đề: thứ nhất, bạn có cho rằng chúng ta hoàn toàn nắm bắt hay chúng ta có năng lực về ý chí tự do? Vấn đề thứ hai là năng lực ấy chính xác là cái gì? Ayn Rand có một góc nhìn hoàn toàn khác biệt, rằng “bạn chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình theo một ý thức rất cốt yếu,” nhưng đó là vì bà có ý niệm về những gì liên quan đến quyền lựa chọn. Nếu bạn cho rằng sự lựa chọn chỉ là “Tôi có thể quyết định sẽ mặc gì sáng nay. Tôi sẽ mặc áo xanh dương hay xanh lá. Tôi có thể định đoạt được mình gọi món gì ở nhà hàng”, tất cả những thứ đó đều là sự lựa chọn; làm thế nào những điều đó khiến bạn kiểm soát cuộc sống mình theo hướng cốt yếu nhất? Nhưng Ayn Rand không cho rằng những kiểu lựa chọn đó là điều cốt yếu của đời người. Cụ thể hơn, bà chỉ ra rằng đó không phải sự lựa chọn về nội dung (như “Chúng ta sẽ gọi món bò hay gà ở nhà hàng?”) mà nó là về việc kiểm soát tâm trí và chức năng của tâm trí mình. Một trong những điều Rand mô tả về ý chí tự do là bạn có sự lựa chọn, là sự lựa chọn rất cơ bản: bạn chọn hoặc tư duy hoặc không tư duy. Và nó có nghĩa là bạn có thể thiết lập các hoạt động của tâm trí bạn. Bạn có thể chọn tư duy, cân nhắc về một điều gì đó, xem xét tất cả thông tin mà bạn thu thập được. Bạn cũng có thể thu nhặt các bằng chứng để tìm hiểu xem bản thân nên làm gì. Đó là nơi mà những ý tưởng của bạn khởi thành, sau đó là tới cảm xúc và nghị lực của bạn, chúng thúc đẩy bạn. Quan điểm của bà là bạn có quyền kiểm soát chính yếu, không chỉ bởi vì bạn có quyền lựa chọn, mà bạn còn có quyền lực cốt yếu đối với các hoạt động của tâm trí bản thân.
Álvarez: Vâng, hiểu biết trước nay thì não bộ như là một cơ bắp đúng không, bạn càng trau dồi, luyện tập nó, nó càng được chuẩn bị kỹ hơn để đưa ra những quyết định tốt hơn. Ví dụ, nếu một người chưa bao giờ đọc 50 trang sách, thì khi cần đọc những quyển sách như Atlas Shrugged (Atlas vươn mình), khả năng cao người đó cần nhiều thời gian và sức lực hơn người đã quen đọc cả ngàn cuốn phải không? Não đã quen với cường độ làm việc mà bạn đã luyện tập cho nó, đúng chứ? Nếu bạn tiếp xúc với nhiều cuộc trò chuyện trí tuệ hơn, nhiều quyển sách hay hơn, nhiều với nghệ thuật hơn, não bộ của bạn sẽ phát triển những khả năng để thấu hiểu thực tế tốt hơn những người không bao giờ tiếp xúc với những điều đó và chỉ bó hẹp trong mớ bòng bong của tâm trí mình thôi, có đúng vậy không? Chẳng hạn như chúng ta có thể luyện tập não bộ của mình để có trí nhớ lâu hơn, để phát triển khả năng đọc hiểu tốt hơn, để phát triển lòng kiên trì, đúng chứ? Nếu bạn liên tục thử thách bản thân mình qua những nỗi sợ hãi nho nhỏ, ví dụ như, nếu bạn sợ nói chuyện với người lạ nhưng nếu bạn kiên trì thúc ép bản thân mình làm điều đó, cuối cùng bạn sẽ vượt qua được những nỗi sợ ấy.
Onkar: Nhưng tôi không cho rằng việc đó là đang luyện tập não bộ. Tôi cho rằng việc đó là do bạn đã tích lũy được hằng hà sa số các kiến thức và ý tưởng, lưu trữ trong tâm trí của mình, và rồi nó ảnh hưởng cuộc đời mình như cách bạn đang sống. Tôi sẽ lấy một ví dụ đơn giản, quá trình này Ayn Rand gọi là quá trình tự động hóa: trước tiên, nó đòi hỏi nhiều sự tập trung và suy nghĩ thận trọng, có ý thức và sau đó, nó được lưu giữ lại trong tiềm thức hay trong tâm trí bạn. Nghĩ về việc bạn học toán, bạn học phép cộng, phép trừ, phép chia,... và ban đầu, nó rất khó, đòi hỏi bạn phải thực sự nghiêm túc tìm hiểu, và giờ, khi thấy 4 nhân 5, tự động não bạn sẽ cho đáp án là 20. Và qua quá trình đó, bạn có thể gọi là đang luyện tập cho não nhưng tôi nghĩ rằng đó chỉ là bạn đang hấp thụ các tri thức và tri thức đó sẵn sàng để dùng khi bạn đối mặt với tình huống mới, và nó cho phép bạn tập trung vào những điều mới bởi vì đã có rất nhiều thứ tự động xuất hiện trong não bạn.
Ben: Tôi muốn nói thêm một điều về cách bạn đặt vấn đề. Khi bạn nói về việc cho não bộ tiếp xúc với một số loại môi trường sống, loại nhạc...nhất định, ý tôi là, tôi tán thành với hầu hết những gì bạn nói, nhưng điều tôi cho là quan trọng, rằng bạn có thể có hai kiểu người khác biệt ở trong cùng một tình huống (họ cùng trải qua các ảnh hưởng như nhau, lắng nghe cùng một ý tưởng, một loại nhạc, hay bất cứ điều gì cùng nhau), nhưng ý chí tự do thực sự nghĩa là hai kiểu người họ có thể xử lý, chọn cách xử lý hoàn toàn khác nhau. Vài người sẽ lắng nghe mọi điều, họ sẽ suy nghĩ xem họ có tán thành chúng không, hay chúng có rõ ràng với họ, trước khi họ chấp thuận hoặc bác bỏ chúng. Những người khác có lẽ chỉ thụ động tiếp thu chúng. Có nghĩa là, một trong những lý do vì sao người ta cảm thấy tư tưởng về thuyết tất định là hợp lý, lý do họ hoài nghi tư tưởng về ý chí tự do là vì có rất nhiều người ở ngoài kia, khi họ tiếp xúc với những điều nhất định, họ chỉ thụ động tiếp thu chúng, và hệ quả là cuối cùng, họ giả vờ như thể hành động là do họ tự quyết định.
Onkar: Đúng vậy, họ chọn tiếp thu một cách thụ động. Họ chọn “Không tư duy”, nếu như bạn đưa họ lựa chọn “tư duy” hoặc “không tư duy”, họ chọn ‘không tư duy’, rồi họ trở thành sản phẩm của môi trường sống xung quanh; nhưng nó không định trước rằng họ là sản phẩm của hoàn cảnh đó.
“Không tư duy” bao gồm 2 thứ: một là điều Ben đã nhắc đến, bạn chỉ thụ động tiếp thu: “Tôi không suy nghĩ về điều này, tôi không nỗ lực, không cố gắng. Tôi chỉ ngồi đây và đây là thứ va phải tôi và rồi tôi tiếp thu, những điều khác tôi không tìm hiểu.” Quá trình đó rất thụ động. Nhưng có một quá trình khác bà gọi là trốn tránh.
Quá trình trốn tránh là khi bạn chủ động không nhìn, bạn không muốn đối mặt với thực tại, không muốn đối diện với kết quả. Bạn muốn có mức thuế siêu cao nhưng không muốn nghĩ chúng ta dùng nó để chi trả cho việc gì, một năm sắp tới sẽ làm gì, nó có dẫn đến việc đất nước chúng ta bị phá sản? Bạn đẩy chúng ra khỏi tâm trí, rằng: Tôi không muốn hiểu điều này. Và có thể bạn sẽ nói với bản thân, như một người của thuyết kinh tế Keynes, rằng: Dài-hạn không quan trọng.
Và vì vậy, bạn tự hợp lý hóa vấn đề, rồi đẩy nó ra khỏi tâm trí. Và bà ấy gọi quá trình đó là trốn tránh. Điều quan trọng đó là “lựa chọn tư duy hoặc không tư duy” tính cả hai quan điểm: bạn có thể thực sự thụ động, hoặc chủ động trốn tránh thực tại.
Ben: Thú vị đó, tôi nghĩ bà ấy cũng cho rằng việc chối bỏ ý chí tự do, tự bản thân nó, đã là một sự trốn tránh bởi vì con người dùng nó để hợp lý hóa những điều tồi tệ họ đã gây ra, họ biện hộ rằng: “Tôi không thể làm khác”, hoặc “chúng ta đều là kẻ tội lỗi”, “chúng ta sống trong một thế giới không hoàn mỹ.”.
Álvarez: Ngày nay, với tất cả bối cảnh này, chúng ta có thể thực sự xác định được tính cách và quyết định của chính mình không? Nhân cách chúng ta thừa hưởng bao nhiêu từ hệ gen, hoặc những điều chúng ta đã có sẵn?
[...]
Theo dõi toàn bộ nội dung tại Reason LLC Channel để có thể tìm thấy câu trả lời thú vị liên quan đến Ý chí tự do.