Tiêu chuẩn để xác định một ý niệm là đúng hay sai

Image
Đây là bài giảng của tiến sĩ Leonard Peikoff - tiến sĩ Triết học chủ nghĩa Khách quan.

Chủ nghĩa Khách quan nói gì về mối liên hệ giữa hai phạm trù: “sự đoan chắc” và “hạnh phúc”

Ngày nay đi đâu cũng nghe thấy những than vãn về sự thất bại trong nỗi bất lực, tuyệt vọng và thậm chí vô vọng của con người. Điều này được gói gọn trong hai ý phổ biến nghe đến nhàm tai. Theo Nhận Thức luận: không có gì chắc chắn ngoài cái chết và thuế má. Còn theo Đạo Đức học: cuộc sống là địa ngục. Ý đầu tiên cho thấy tư duy con người thất bại vì nó chẳng bao giờ đạt được mục tiêu của nó, vốn là nhận thức về thực tại: từ đó suy ra, tâm trí của chúng ta hoàn toàn vô dụng. Ý thứ hai cho rằng hành động cũng thất bại luôn vì nó không thể hoàn thành mục tiêu là đạt được các giá trị; từ đó, cuộc sống của chúng ta trở thành vô ích. Đây chính là “vũ trụ tiêu cực” (malevolent universe), hay ý nghĩa bi kịch của cuộc sống theo cách gọi trong cả lĩnh vực Nhận Thức luận lẫn Đạo Đức học. Đa số mọi người thừa nhận điều này quá hiển nhiên và không có gì bàn cãi.

Chủ nghĩa Khách Quan đương nhiên nắm giữ một góc nhìn hoàn toàn trái ngược. Chúng ta đều biết rằng “sự đoan chắc” cũng như “hạnh phúc” hoàn toàn có thể đạt được. Hơn nữa, ta tin rằng “sự đoan chắc”“hạnh phúc” không chỉ khả dĩ mà còn là điều hiển nhiên trong sự tồn tại của nhân loại. Chúng ta quả quyết rằng, con người không những nên thành công trong suy nghĩ và hành động, mà họ còn nên mong muốn được thành công, và từ chối thoả hiệp với bất cứ điều gì khác, ngoài thành công.

Đâu là nguồn gốc của hai cách tiếp cận triết học đối lập này? Về mặt triết học thì quan điểm Khách Quan căn cứ vào đâu, còn quan điểm truyền thống thì căn cứ vào gì? Những nguyên nhân sâu xa nào để giải thích cho triết lý về thành công-như cách chúng ta gọi nó- so với triết lý về thất bại? Để trả lời, trước hết ta cần nắm rõ mối liên hệ giữa hai phạm trù: “sự đoan chắc”“hạnh phúc”; hay nói một cách tiêu cực là “sự hoài nghi” và “ác tâm”. Một trong hai phạm trù này xuất phát từ nhận thức luận, trong khi cái kia xuất phát từ đạo đức học, dù vậy, cả hai lại liên quan mật thiết với nhau. Trong lúc đang sắp xếp ý tưởng cho cuốn sách về chủ nghĩa khách quan, tôi nhận ra mối liên hệ giữa hai phạm trù này. Khi đang cố gắng tìm ra một cấu trúc hợp lí đúng đắn cho hàng loạt các chủ đề liên quan, tôi nhận ra rằng mỗi phạm trù, nói cho đúng lí, thực sự là chủ điểm cuối cùng trong lĩnh vực của nó.

“Sự đoan chắc” là chủ điểm cuối cùng trong nhận thức luận; nó là đỉnh điểm và sự đúc kết của một chủ thể đã đặt tiền giả định cho mọi chủ đề khác như tiền đề của nó. Tương tự, ta có “hạnh phúc” là chủ đề cuối cùng trong đạo đức học; nó là đỉnh điểm của lĩnh vực mà nó đặt tiền giả định rằng tất cả các phẩm chất và giá trị khác đều đã được xem xét. Cả hai phạm trù này nói ngắn gọn chính là phần tóm tắt. Chúng như những dụng cụ chỉ báo, cho chúng ta biết những đúc kết triết lý trước đó. Cho nên, chẳng mấy ngạc nhiên khi ngay trong một học thuyết, hai kim chỉ thị lại trỏ về cùng hướng, cho dù là tích cực hay tiêu cực.

Trong buổi tối nay, đầu tiên tôi muốn nhìn lại quan điểm của chủ nghĩa khách quan về hai phạm trù: “sự đoan chắc”“hạnh phúc”. Xét lại những điểm mấu chốt và trong từng trường hợp, một vài luận điểm chính mà tôi hi vọng là mới mẻ với các bạn, phòng khi chưa có ấn bản nào đề cập tới nó hoặc cá nhân tôi chưa trình bày trong các bài giảng. Vào cuối buổi, tôi mong rằng có thể ngồi lại và xem liệu chúng ta có thể xác định được gốc rễ về thái độ tích cực của chủ nghĩa khách quan so với thái độ tiêu cực phổ biến đối với hai phạm trù trên.

Phạm trù Sự-Đoan-Chắc

Hãy bắt đầu bằng một cuộc thảo luận về phạm trù “sự đoan chắc” được nhìn nhận theo quan điểm của chủ nghĩa Khách Quan. Tôi phải nói luôn là tôi nghiễm nhiên chấp nhận hầu hết Nhận Thức luận theo chủ nghĩa Khách Quan bao gồm sự hiểu biết của bạn rằng logic là cần thiết, và “sự đoan chắc” chỉ mang tính tình huống. Tối nay, tôi muốn đi sâu vào vấn đề tại sao khái niệm “sự đoan chắc” lại xuất hiện ngay từ đầu. Nếu tâm trí chúng ta chỉ có thể tồn tại hai trạng thái: hiểu biết và vô tri thì cũng chỉ có hai hướng để xác định tình trạng nhận thức của một ý niệm: đã được xác nhận hoặc chưa xác định/không rõ. Tuy nhiên, sự thật là nhu cầu logic trong tâm trí con người vốn tồn tại một trạng thái cấp thiết thứ ba, xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn, tạm thời, đến khi đạt được những kết luận cụ thể nào đó ở tầng phức tạp hơn. Trong những trường hợp này, sự xác nhận cho một ý niệm là một tiến trình kéo dài- một tiến trình tích hợp minh chứng từng bước một cho tới cuối cùng, khi một ý niệm có thể xem như đủ chuẩn để xác định được là nó đúng hay sai. Liên quan tới những ý niệm như vậy, không phải tất cả, nhưng một nhóm các ý niệm cụ thể, một người sẽ tiến dần từ trạng thái ngu muội đến hiểu biết, qua một tiến trình gồm các giai đoạn chuyển biến nhận thức. Tiến trình liên tục này có thể được chia làm ba giai đoạn cụ thể được xác định thông qua ba khái niệm như sau: “có-khả-năng”, “rất-có-thể” và “chắc-chắn/sự-đoan-chắc”.

Phạm vi đầu tiên trong tiến trình tích hợp luận chứng là “có-khả-năng”>. Các bạn biết rằng mục tiêu chuẩn mực mang tính học thuyết. Về điểm này, tôi chắc chắn rằng một kết luận là “có-khả-năng” nếu như không có nhiều thì cũng vài luận chứng bảo vệ cho nó, và ít nhất thì không có dữ liệu nào cho thấy điều đối lập. Điều kiện sau cùng (không có dữ liệu nào cho thấy điều đối lập) rõ ràng cần phải có. Một kết luận mà nếu kết luận này đi ngược với dữ kiện đã được thừa nhận trước đó thì nó hiển nhiên sai, nhưng bản thân kết luận này cũng không đủ để chứng tỏ một nhận định là “có-khả-năng”. Có khá nhiều những tuyên bố thiếu cơ sở mà người ta không thể đưa ra bất cứ dữ kiện phản biện nào chỉ vì chúng vốn đã tách rời thực tế. Ví dụ như tuyên bố cho rằng cuối phòng này có một buổi tụ họp của bọn quái thú, nhưng thực tế là bạn không thể dẫn ra được dữ kiện đối lập nào để có thể gá cho những tuyên bố kiểu này bất kì một vị thế nhận thức nào. Để một ý tưởng đủ chuẩn trở thành “có-khả-năng”, cần một lượng minh chứng nhất định củng cố cho nó. Nếu không, ý tưởng này sẽ rơi vô một khái niệm khác, nếu không phải “có-khả-năng” thì là gì? Là “tuỳ tiện”. Những tuyên bố tuỳ tiện chỉ là những phát ngôn bừa bãi chẳng liên quan gì tới tiến trình hợp chứng bên ngoài địa hạt của nhận thức. Nói cách khác, giống như bất kì thuật ngữ chính thống nào, “có-khả-năng” cũng là một khái niệm khách quan. Nó không cho ai chi phiếu trắng hay sự thừa nhận có ý thức một cách dễ dãi nhằm biến một điều “có lẽ” thành một tuyên bố xác thực. Mục đích là khẳng định những ý tưởng ban đầu trong tiến trình hợp chứng, và như những tuyên bố có tính nhận thức khác, điều này phải được thể hiện một cách khách quan trong bất kì trường hợp cụ thể nào.

Vậy thì tôi cho rằng nó khá rõ ràng và dễ hiểu: khách quan mang tính học thuyết. Tôi muốn nói thêm một chút, như đã đề cập, để một ý tưởng đủ chuẩn trở thành “có-khả-năng”, phải có một số lượng cụ thể những minh chứng củng cố tích cực cho nó. Vậy minh chứng là gì? Cái này mới nè. Để tôi dùng tự điển Oxford-nơi bắt đầu tuyệt vời nếu bạn biết làm thế nào để đọc một cách có chọn lọc. Trích dẫn từ Oxford: “minh chứng là sự xác nhận hoặc các dữ kiện nhằm mục đích chứng minh hay bác bỏ một kết luận nào đó”; để xác định một cách khách quan rằng một dữ kiện cho sẵn có là minh chứng của một tuyên bố hay không thì một người trước hết phải xác định tuyên bố đó chứa đựng những bằng chứng nào. Sau đó, dựa theo tiêu chuẩn này, một người phải thể hiện được rằng dữ kiện này mặc dù không thực sự thuyết phục để đóng góp cho kiểu bằng chứng như vậy, nhưng nói cách khác, nó phải thực sự củng cố một cách logic cho tuyên bố đã nêu và từ đó đưa vấn đề tiến gần hơn đến độ chính xác về nhận thức. Bạn nắm được ý đó chưa? Để tôi lặp lại điểm mấu chốt nhé. Để quyết định điều gì có thể được xem là một minh chứng, trước hết phải xác định rằng một tuyên bố cụ thể sẽ bao hàm trong nó những bằng chứng nào. Rồi sau đó bạn phải cho thấy được rằng dữ kiện đang đề cập đến mặc dù thiếu tính quyết định, vẫn có đóng góp cho bằng chứng để củng cố thêm tính hợp lí của một tuyên bố, đưa vấn đề tiến gần hơn đến độ chính xác về nhận thức. Điều này có nghĩa là: nếu bạn không hề có khái niệm gì về những bằng chứng cần có của một kết luận cho sẵn; hoặc nếu một người chỉ nắm được một bằng chứng vốn đã bất khả dĩ, họ sẽ không có phương tiện/công cụ để quyết định liệu một mẩu thông tin có thể dùng để chứng minh hay không. Nói cách khác, nếu đích đến của một hành trình là “không xác định” hoặc “không biết” thì chẳng có cách nào biết được chúng ta đang hướng về phía nó hay không. Đây chính là lí do tại sao không thể có “một vài minh chứng” có lợi cho Chúa.

Tôi sẽ không đi quá xa tuyên bố rằng “không có bằng chứng nào về việc Chúa đã nói điều gì” như câu tôi vừa trích dẫn “một số bằng chứng có lợi cho Chúa” hay bất cứ chiều kích thần bí nào tự cho là vượt xa logic và bản chất. Cụm từ “minh chứng” trong ngữ cảnh này sẽ trở thành một “khái niệm bị đánh cắp” vì chẳng có gì đủ tiêu chuẩn làm bằng chứng và cũng không có cách nào xác định được bất cứ dữ liệu nào như là một phần của bằng chứng cho một chiều kích như thế. Chúng ta không thể chứng thực một ý niệm kiểu này như cách mà một ý niệm có khả năng mang con người đến gần nhau hơn khi biết được những điều bất tri hay chứng minh được những gì bất khả chứng.

Ngược lại, để tôi lấy một ví dụ rõ ràng hơn. Chúng ta đều biết để chứng minh tội ác của một tên giết người thì cần những loại thông tin gì. Liên quan đến kết luận kiểu này, người ta đã xác định cụ thể, một cách khách quan, các yêu cầu về bằng chứng hợp lí. Khi biết điều này, ta có thể tiến đến việc xác định những dữ liệu cụ thể liên quan, hoặc có tính minh chứng trong khi dẹp sang một bên những thông tin không liên quan. Đại khái như vầy: nếu một người thù ghét nạn nhân lại có mặt tại hiện trường nạn nhân bị bắn hạ, bạn có thể kết luận một cách hợp lí rằng: có lẽ anh ta là thủ phạm. Bởi vì xác lập động cơ và cơ hội trong một vụ án mạng sẽ thực sự thúc đẩy nội dung nhận thức. Chính vì bạn biết điều gì cấu thành một vụ án chống lại một nghi phạm, bạn có thể nắm chắc rằng mẩu thông tin này dù không phải là toàn bộ vụ án, ít nhất nó là một phần của những gì bạn cần. Mặt khác, bạn không thể biện hộ cho một “khả năng có thể” trong trường hợp này bằng cách đưa ra các dữ kiện là nghi phạm đã từng ghé thăm nạn nhân cách đây một tháng, và không hề có cảm tình với gu chọn cà vạt của nạn nhân, hoặc ghét các vụ giết người bí ẩn. Những thông tin loại này không thể dùng để xác lập tội ác của một cá nhân. Bản thân chúng không đóng bất kì vai trò nào trong một vụ hợp lí đàng hoàng để chống lại nghi phạm. Đương nhiên tôi không phủ nhận rằng trong một số ngữ cảnh, thông tin loại này có thể đảm bảo cho phía điều tra xác định được liệu các bằng chứng để xác thực một giả thuyết có thể được tìm thấy ở một chỗ khác. Nhưng nói vậy thì chúng ta sẽ đi xa quá. Cũng vì lí do này mà bản thân các thông tin chung chung về những khả năng hay tiềm lực của một loài không đủ để cấu thành minh chứng củng cố cho một giả thuyết về một thành viên cụ thể trong tập hợp của loài đó. Chỉ vì một người có khả năng đã phạm tội giết người thì bạn không thể nào tự suy ra rằng Ngài Beacon hay Tiến Sĩ Beaker chính là tên sát nhân mà chúng ta tìm kiếm. Để xác thực cho sự nghi ngờ này, bạn cần có một số cơ sở nhất định nhằm nghi vấn nhân vật cụ thể này thực sự đã sử dụng khả năng giết người mà con người sở hữu.

Hoặc để tôi cho các bạn một ví dụ khác mà tôi tin khá quen thuộc bởi vì nó nằm trong các bài báo của tôi. Một người có thể chạy một dặm trong vòng ít hơn bốn phút và một sinh vật sống thì có khả năng sinh sản ra cá thể con cùng loài. Những năng lực này là có thực trong những tình huống phù hợp. Tuy nhiên, tôi không thể tới trước mặt một quý ông tàn tật ngồi xe lăn mà bảo với ông ấy rằng: “tuần sau biết đâu ông sẽ hạ sinh một đứa con trai sau khi chạy được một dặm tới bệnh viện trong vòng ba phút chín. Dù sao ông cũng là một con người vẫn đang sống và những việc này là hoàn toàn có thể cho một đối tượng như vậy.” Một điều được xem là “có thể cho con người” không đủ để chứng minh nó cũng có thể cho người đàn ông tôi nói đến trong trường hợp này. Tuyên bố sau phụ thuộc vào cá nhân liên quan và những điều kiện nhất định, và vì thể nó cần được chứng minh bởi những dữ liệu cụ thể tương xứng. Giống như các tuyên bố mang tính nhận thức, các khả năng chỉ được khẳng định trong một ngữ cảnh. Và nếu, hoặc khi khả năng thay đổi, thì nhận định cũng phải thay đổi theo. Khả năng ban đầu có thể bị suy yếu hoặc thậm chí bị xoá bỏ nhưng cũng có thể được củng cố chắc chắn hơn. Nếu các minh chứng có lợi tiếp tục được tìm thấy thì một lúc nào đó, tuyên bố ban đầu không chỉ đơn giản là “có-khả-năng” nữa; nó trở thành “rất-có-thể”. “Rất-có-thể” là một phạm vi cao hơn trong tiến trình hợp chứng. Đây là định nghĩa chính thức của tôi: một kết luận được cho là “rất–có-thể” khi có một lượng minh chứng quan trọng đáng kể, tuy còn chưa đủ kết luận, củng cố cho nó. Trong trường hợp này không chỉ có vài mà cả một tập hợp khá lớn những dữ liệu mang tính củng cố, dù những dữ liệu này không đủ để đạt đến chuẩn của bằng chứng; và bởi vì chúng chưa đạt, vẫn còn những cơ sở khách quan khác để hoài nghi về nhận định cuối cùng. Vì thế, nhận định đó vẫn còn bỏ ngỏ.

Bây giờ tiếp tục ví dụ lúc nãy. Nếu cuộc điều tra vụ giết người bằng súng tiết lộ rằng chỉ có ba đối tượng tình nghi có động cơ và ít nhất là có cơ hội ra tay. Một trong số ba đối tượng này sau đó lại chứng minh có bằng chứng ngoại phạm vững chắc. Trong khi đó, một trong hai người còn lại được biết là khá quen thuộc với các loại súng cầm tay, hơn nữa lại còn có thái độ lẩn tránh khi trả lời thẩm vấn của cảnh sát, và còn có tiền án. Các dữ liệu như vậy cứ tăng dần lên tới mức đủ tập hợp thành “một lượng minh chứng quan trọng khá lớn” thì nghi phạm này trở thành đối tượng có khả năng ra tay cao nhất mặc dù cho đến giờ vẫn còn những điểm nghi ngờ. Cần nhấn mạnh là những những điểm hoài nghi này được định nghĩa dựa theo tiêu chuẩn của bằng chứng trong vụ này. Vì biết cần cái gì để đưa ra một sự chứng minh mang tính kết luận, trong trường hợp này, chúng ta hiểu rằng chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng vì còn chưa xác định được cách tiếp cận vũ khí giết người của nghi phạm, nói cách khác, nếu bạn biết đâu là những ẩn số trong một vụ giết người.

Cũng giống như “có-khả-năng", xác suất “rất-có-thể” được khẳng định trong một ngữ cảnh và có thể bị suy yếu hoặc được củng cố khi ngữ cảnh thay đổi. Khi liên tục tìm thấy các minh chứng có lợi cho một khả năng “rất-có-thể”, tới lúc nào đó có thể tuyên bố một cách có nhận thức rằng, chúng ta đã đạt đến đỉnh cao nhất. Kết luận không còn là giả thuyết nữa mà trở thành nhận thức. Lúc này chúng ta gọi nó là “chắc chắn”. Bởi vậy, khái niệm “sự đoan chắc” chỉ định nhận thức được xem xét từ một góc độ cụ thể.

“Sự đoan chắc” công nhận những nhận thức được xem là đối lập với các trạng thái chuyển biến tồn tại trước đó trong tiến trình minh chứng. Bạn hiểu ý này không? Cần chú ý là về mặt ngôn ngữ thì từ “chắc chắn” có thể được áp dụng cho mọi loại nhận thức. Mở rộng ra thì chúng ta có thể áp dụng cho đối tượng tri giác lẫn các khái niệm, hiểu đơn giản là không còn sự ngờ vực nào nữa cả. Về cơ bản, theo cách này, bạn đang sử dụng “sự đoan chắc” như một vũ khí để bật lại mọi sự hoài nghi; nhưng như một khái niệm cần thiết và quan trọng cho sự nhận thức của con người, “sự đoan chắc” không thể vượt lên mức độ tri nhận bởi vì chẳng có kẻ nào theo chủ nghĩa hoài nghi lại đi khắp nơi rêu rao: tôi không chắc các nhận thức của bạn là đáng tin và và vì thế cần có một câu trả lời thích đáng.

Trong dạng thức sử dụng nguyên thuỷ, “chắc chắn” chỉ áp dụng cho những thông tin có tính khái niệm sẵn và những đúc kết mang tính phức tạp ở tầm cao. Những tuyên bố đơn giản bề ngoài, dù đạt mức khái niệm nhưng không trải qua giai đoạn biến chuyển nào thì chúng cũng không cần có khái niệm gọi là “chắc chắn”. Và vì thế, dạng thức sử dụng nguyên thuỷ của “chắc chắn” chỉ định nhận thức đang được nghiên cứu như là một sản phẩm của tiến trình minh chứng phức tạp; và một kết luận là “chắc chắn”. Vậy, đây là định nghĩa chính thức: khi minh chứng củng cố cho “chắc-chắn” mang tính kết luận, nói cách khác là đã được xác thực một cách hợp lí; tại giai đoạn này không chỉ có một lượng đáng kế các minh chứng quan trọng bảo vệ cho ý niệm đó mà tất cả các minh chứng tìm thấy đều đồng loạt hướng về một phía thì minh chứng này đã đạt chuẩn trở thành bằng chứng. Tôi phải nhấn mạnh điểm thứ hai này (tất cả các minh chứng tìm thấy đều hướng về một phía) bởi vì đây là điểm xuất phát của những bạn đã từng tham dự các bài giảng của tôi năm 1976. Tôi có cảm giác họ hơi sai hướng với định nghĩa về “sự đoan chắc” vì lúc đó, tôi nhấn mạnh rằng “chắc chắn” được xác định đơn giản khi tất cả các minh chứng tìm thấy hướng về một phía nào đó. Thật ra nó cũng đúng nhưng không phải là định nghĩa xuất sắc nhất bởi vì còn nhiều trường hợp khi mà tất cả lượng minh chứng tìm thấy không đủ để đảm bảo cho một kết luật rõ ràng. Ví dụ, vụ giết người, giả sử rằng chúng ta chỉ có vài dấu vân tay để bám vào làm bằng chứng mà chúng lại tình cờ là dấu tay của giáo sư Beaker thì cũng không thể chắc chắn được ông là kẻ sát nhân dù đó có thể là toàn bộ minh chứng được tìm thấy. Nên tôi cho rằng tôi đã sai- cái khái niệm tôi đưa ra năm 76 đã sai, dù tôi có ý tốt. Phải là vầy mới đúng: toàn bộ các minh chứng có được hướng về một phía và các minh chứng này đều đạt chuẩn trở thành bằng chứng. Và trong một ngữ cảnh cụ thể thì bắt buộc phải khẳng định là không thể có khả năng đưa ra một cách hiểu nào khác. Vậy thì không còn một cơ sở khách quan nào để hoài nghi sự thật hoặc bỏ ngỏ nhận định cuối cùng.

Để kết thúc ví dụ này: cuộc điều tra tiếp tục tiết lộ rằng nghi phạm đáng ngờ nhất, theo lời khai của người bán vũ khí, chính là người đã mua khẩu súng gây án. Còn nữa, theo tính chất vết thương của nạn nhân có thể thấy kẻ thủ ác thuận tay trái, đối tượng tình nghi của chúng ta cũng thuận tay trái. Cuối cùng thì dấu tay của hắn có trên khẩu súng trong khi, nghi phạm còn lại thì chẳng có tí liên hệ gì với món vũ khí, thuận tay phải và không hề biết cách sử dụng một khẩu súng.

Chính vì thế mà đặt trong ngữ cảnh minh chứng kiểu này (chú ý: không có nhân chứng), hay không đặt trong ngữ cảnh minh chứng loại này, thì một kết luận xác đáng đã dần rõ nét. Nếu chỉ có một và duy nhất một cá nhân có động cơ, cơ hội vàphương tiện thì hắn chính là thủ phạm. Đây chính là tiêu chuẩn của “bằng chứng” và trong trường hợp này tôi đã lấy ví dụ từ một công thức của nhân vật lịch sử vĩ đại nào? - “Hercule Poirot ”, chính xác, của Agatha Christie.

Tại thời điểm hiện tại, thời điểm mà trong bất cứ một cuộc thảo luận nào về khái niệm “sự đoan chắc”, bạn buộc phải có nguyên tắc để xác định tiêu chuẩn cho “bằng chứng”. Ở đây, tình cờ nó khá đơn giản để hình thành công thức trong một ngữ cảnh suy luận quy nạp phức tạp: công thức án mạng. Nhưng bạn không thể bàn về khả năng “rất-có-thể” hay “có-khả-năng” cho đến khi bạn biết chắc tiêu chuẩn của “sự đoan chắc” là gì. Theo tôi, trả lời một cách ứng khẩu cho một trong các câu hỏi được viết ra về một vấn đề của triết học khoa học là làm thế nào công thức hoá một học thuyết để đạt tới chuẩn của “bằng chứng” trong các ngữ cảnh nhận thức khác nhau. May quá, đây không phải chủ đề mà tối nay chúng ta bàn tới.

Cũng như “có khả năng” và “rất có thể”, “sự đoan chắc” mang tính ngữ cảnh. Đó là nhận định đạt được trong một ngữ cảnh cụ thể có minh chứng và lệ thuộc vào minh chứng mà nó có thể đứng vững hoặc bị xô ngã. Ví dụ, trong trường hợp nãy giờ chúng ta thảo luận thì luật sư biện hộ không thể bảo vệ nghi phạm bằng cách “bỏ qua toàn cảnh” mà chỉ lắp bắp một chuỗi những “có lẽ” một cách tuỳ tiện. Ví dụ, “có lẽ gã bán súng nói dối, có lẽ các dấu vân tay bị dàn dựng, có lẽ tiền án này còn lộn xộn, có lẽ nghi phạm đi ngủ rồi, có lẽ những ai đặt anh ta vô hiện trường vụ án đã bị thôi miên…”. Câu hỏi bạn đặt ra để phản biện những “có lẽ” kiểu này phải nằm trong toàn bộ ngữ cảnh: Có dữ liệu khách quan nào bảo vệ cho bất cứ giả thuyết nào không? Và nếu như không có, thì không cái nào đủ tiêu chuẩn “có khả năng” và “có thể chấp nhận được” trong bất kì cuộc thảo luận về quá trình đánh giá nhận thức đích thực. Hành vi “bỏ qua toàn cảnh” của vị luật sư biện hộ giả định chính xác là thủ thuật của những kẻ quá khích chống lại “sự đoan chắc”. Bạn có thể thấy nó được hoạt động trong lập luận mạnh mẽ nhất của họ mà chúng ta được biết đến như là “vấn đề của sai lầm”. Bản chất vấn đề này được thể hiện rõ ràng nhất trong một đoạn đối thoại giữa một người theo chủ nghĩa hoài nghi và đối thủ của anh ta, người vừa đưa ra một luận điểm để bảo vệ quan điểm của mình. Giả sử bạn chính là người đối thủ này và bạn vừa đưa ra một luận điểm ủng hộ sự ưu việt của chủ nghĩa tư bản so với chủ nghĩa cộng sản. Cho là bạn vừa đưa ra được một lập luận rất dài, chi tiết và phức tạp. Người theo chủ nghĩa hoài nghi không phải là một người cộng sản, anh ta là người hoài nghi và sau khi lắng nghe bạn, anh ấy nói: (tôi tóm 20 phút vô 1 phút): “con người rất dễ phạm sai lầm thậm chí khi được huấn luyện tốt nhất và với những mục đích tốt đẹp, họ vẫn có thể mắc lỗi. Vậy làm sao bạn chắc chắn bạn không sai?”. Bạn trả lời: “khả năng phạm lỗi nói chung của con người tự nó không thể đảm bảo cho một giả định sai trong một trường hợp cụ thể.”

Phép loại suy chính xác về khả năng giết người không đảm bảo cho một giả thuyết về một vụ giết người. Rồi bạn nói “Tôi vừa đưa ra một sự xác thực cụ thể để chứng minh rằng trong trường hợp này tôi đúng.” Người theo chủ nghĩa hoài nghi sẽ phản biện như thế nào? Bạn đã nói rằng mình đưa ra một sự xác thực. Ngoài đời thực anh ấy sẽ nói sao? “Nhưng sự xác thực của bạn tự nó có thể đã hàm chứa một sai lầm. Nó có thể sai bét. Làm sao bạn biết nó không sai chứ?” Bạn trả lời, “vậy thì, bạn có thể chỉ ra cái lỗi nguỵ biện của tôi không, một khiếm khuyết trong cách lập luận của tôi, một dữ liệu tôi đã bỏ qua, một thuật ngữ tôi đã không định nghĩa đúng, bất cứ điều gì?” Thế thì người theo chủ nghĩa hoài nghi có thể làm được không? Không, tới đây thì anh ta chịu. Bởi vì nếu phải xác định những lỗi nguỵ biện cụ thể, anh ta phải bước vào lĩnh vực kiến thức trong một trường hợp cụ thể và phải thừa nhận anh ta có thể tìm thấy minh chứng để phân biệt sự thật và sai lầm. Giả sử anh ta nhảy vô và nói: “À, chủ nghĩa tư bản chẳng tốt đẹp gì. Còn tất cả những lũng đoạn đã làm vấy bẩn các trang sử thì sao? Bạn đã coi nhẹ sự thật này.”. Với tư cách là một người theo chủ nghĩa hoài nghi, bạn phải trả lời sao? “Sự thật ư? Là một người theo chủ nghĩa hoài nghi, sao ông có thể nói một điều như thế? Bạn biết gì về sự lũng đoạn và liệu chúng có tồn tại bao giờ không? Mà lũng đoạn là gì chứ? Ai biết được?” Chính vậy cho nên những kẻ hoài nghi không bao giờ cụ thể được. Họ mơ hồ, không phải cố tình, nhưng về mặt phương pháp luận họ mơ hồ. Họ không thể tham gia một cuộc thảo luận mà chỉ ra được bạn đã làm sai ở điểm cụ thể nào vì trong suốt quá trình đó họ đã phá bỏ sự hoài nghi. Vì thế một cuộc đối thoại với người hoài nghi sẽ kết thúc bằng việc anh ta gạt cả ngữ cảnh qua một bên và tuyên bố: “Tôi không thể xác định cụ thể sai lầm của bạn nhưng có lẽ nó ở đâu đó. Tôi không phân biệt được luận điểm của bạn với một luận điểm đã được xác thực một cách hoàn hảo nhưng dù sao, tôi cũng không chắc.” Chứng tỏ cái sai lầm-không-xác-định-được này không hề tồn tại.

“Sự đoan chắc”, tóm lại là một quá trình đánh giá mang tính ngữ cảnh. Trong vô số tình huống, ngữ cảnh không cho phép sự hiện diện của gì khác ngoài “sự đoan chắc”. Bất kể tuyên bố của những kẻ hoài nghi là gì, “sự ngờ vực” không phải niềm tin con người, với nhận thức được xem là một ý niệm không cách nào đạt được. Ngược lại, “sự ngờ vực” một cách hợp lí là một trạng thái biến chuyển tạm thời chỉ áp dụng được cho các câu hỏi với mức độ phức tạp cao hơn; và bản thân nó, bản thân của sự ngờ vực thể hiện một sự đánh giá mang tính nhận thức, cụ thể là, cái minh chứng mà một người sở hữu chưa mang tính kết luận; “tính kết luận” tự thân nó đòi hỏi một nhận thức gồm 2 phần trong tâm trí của những người mang ngờ vực: Anh ấy phải biết cho tới giờ điều gì đã được biết và cần phải làm gì để đạt được bằng chứng đầy đủ. Để nghi ngờ một cách chính đáng, bạn phải có sẵn một phạm vi kiến thức rộng, vượt xa lĩnh vực của mối nghi ngờ, bao gồm sự hiểu biết về một dữ kiện, về một logic, và nói chung là cách loại bỏ nghi ngờ của bạn. Sự nghi ngờ, nếu không phải tuỳ tiện hoặc do bệnh lí, thì thật sự là một tình trạng giới hạn bản thân cần thiết về cả quy mô lẫn thời hạn. Nó không phải là quy chuẩn của tâm trí nhưng là một giai đoạn thường gặp trên đường đạt đến quy chuẩn và nó sẽ chấm dứt khi chúng ta tới đích. Vậy thì con người có khả năng đạt được “sự đoan chắc” không? Chỉ có một câu trả lời duy nhất: Chắc chắn rồi.

Theo dõi nội dung video tại Youtube channel Reason LLC Channel.
Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi.


>> Xem các bài viết khác