Vị kỷ/Ích kỷ là gì?
Vị kỷ/Ích kỷ có xấu như ta thường nghĩ?

Image
Đây là bài phát biểu của tiến sĩ triết học Tara Smith.

Vị kỷ là một đức hạnh

Ayn Rand cho rằng sự ích kỷ là một đức tính tốt đẹp. Bà ủng hộ phạm trù đạo đức về tư lợi duy lí. Một phạm trù đạo đức về tính tư lợi - điều đó có nghĩa là gì? Ý tưởng rằng một người nên sống ích kỷ quá xa lạ đối với nền văn hóa của chúng ta, vì vậy, mọi người khó lòng hiểu được người phụ nữ ấy có ý gì. Bản thân những từ ngữ này có tác động mạnh mẽ đến mức khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Họ không thể tiêu hóa được một ý tưởng vô đạo đến vậy.

Chúng ta không quen nghe rằng những người ích kỷ lại là người đức hạnh. Quả thực, trong văn hóa của chúng ta, tính vị kỷ không gì khác hơn là một phản đề của đạo đức, một phạm trù hoàn toàn đối nghịch. Theo những gì chúng ta đã được nuôi dạy, sự cao thượng đồng nghĩa với lòng vị tha, đức hạnh đồng nghĩa với tự hy sinh. Sự ích kỷ là điều cần phải khắc phục để được khen ngợi về mặt đạo đức, phải vậy không?

Các vị thánh, như Mẹ Teresa và các vị thánh thế tục, chúng ta phong thánh cho họ bởi những việc thiện họ làm vì người khác, đặc biệt là những người túng thiếu. Các doanh nhân được ca ngợi không phải vì hàng thập kỷ làm việc hiệu quả và tạo ra những sản phẩm có giá trị vĩ đại giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu con người, mà vì lòng từ bi của họ, các hoạt động thiện nguyện của họ, việc họ quyên góp tài sản thông qua chiến dịch từ thiện Giving Pledge. Mark Zuckerberg, chà, bạn nghĩ anh ta không thể là người xấu sau khi đã quyên góp rất nhiều tiền cho hệ thống trường công Newark, nhỉ? Đây là những hình mẫu lý tưởng của chúng ta, những người được tán dương tại buổi phát biểu khai giảng năm học mới ở các trường đại học, khi các diễn giả khuyến khích sinh viên tốt nghiệp phục vụ những điều lớn lao hơn chính bản thân họ, để cống hiến lại cho cộng đồng. Ngày nay, đó chính là sách-chiến-lược đến từ triết gia Peter Singer, người mà hẳn một số bạn có lẽ đã quen thuộc, người kêu gọi giảm mạnh tiêu dùng cá nhân, giảm mạnh phần thu nhập bạn chi cho bản thân hay những người mà bạn quan tâm, hoặc giảm mạnh giá trị của bạn để có thể cho đi nhiều hơn.

Từ bậc tiểu học, trẻ em đã được nuôi dạy để đóng góp cho cộng đồng: dọn dẹp công viên, dọn dẹp nhà vệ sinh trong công viên cho người vô gia cư, cải thiện môi trường sống cho nhân loại, bất kể là ai, đúng không? Đạp xe để quyên góp tiền cho việc giáo dục trẻ em ở Ethiopia. Ở đây, cần phải nói rằng: tôi không hề chống lại trẻ em ở Ethiopia, tôi thậm chí còn yêu nhân loại. Ý tôi là Ayn Rand không phản đối những ý định như vậy - rất nhiều trong các ý định đó là những lý tưởng cao đẹp. Song, bà thách thức cái ý tưởng, cái giả định phổ biến rằng cuộc sống của người khác giá trị hơn của bạn, rằng một người qua đường vô danh có quyền được bạn dành nhiều thời gian hơn là chính bản thân bạn; rằng trạng thái hạnh phúc của người khác nên được đặt lên hàng đầu. Rand trực tiếp và thẳng thừng bác bỏ quan điểm khó chịu ấy. Bà là một người theo chủ nghĩa vị kỷ cấp tiến (chủ nghĩa vị thân).

Trong cuộc đời của bà, bà đấu tranh cho hạnh phúc của mình, và bà muốn bạn đấu tranh cho hạnh phúc của chính bạn. Bạn sẽ không ở đây để nghe bài giảng này trừ khi bạn đồng cảm với chủ nghĩa khách quan hoặc thực sự tò mò về nó, muốn hiểu rõ hơn về nó, để biết thêm về những gì nó ủng hộ và tại sao. Vì vậy, tôi sẽ không dành nhiều thời gian để đẩy mạnh đề tài này. Tuy nhiên, bởi vì lý thuyết đạo đức của Ayn Rand rất xa lạ, việc hiểu chính xác những gì bà ủng hộ rất quan trọng. Nó cũng quan trọng bởi vì quan điểm của bà thường bị đồng nhất một cách nhầm lẫn với quan điểm của những người khác, những người từ chối đạo đức truyền thống như Frederick Nietzsche, Thomas Hobbes và các nhà “phi luân chủ nghĩa” khác (amoralist). Vì vậy, tôi sẽ đưa ra một lời giải thích cơ bản về sự vị kỷ duy lí của Rand. Ở mỗi phần chính, những gì tôi làm là phác thảo những đặc điểm quan trọng về sự vị kỷ duy lí: nó là gì, nó không phải là gì và nó để làm gì?

Tại sao phải vị kỷ?

Vậy, tại sao phải vị kỷ? Tại sao phải nghĩ đến bản thân mình? Lý do cho sự vị kỷ có phần đơn giản. Bạn nên vị kỷ bởi vì bạn phải như vậy để có được hạnh phúc. Nếu một người muốn sống, muốn phát triển và muốn đạt được niềm hạnh phúc có thể vươn tới bởi một con người, họ phải hành động theo cách phục vụ cho mục đích trên. Vị kỷ có nghĩa là thực hiện những hành động cần thiết ấy. Đây là con đường duy nhất dẫn đến mục đích đó. Vị kỷ là luận điểm cho rằng mỗi người nên theo đuổi lợi ích cá nhân của chính mình. Về cơ bản là như vậy. Một lần nữa, vị kỉ là luận điểm rằng mỗi người nên theo đuổi lợi ích riêng của mình. Tại sao điều đó có ý nghĩa? Bởi vì chúng ta có nhu cầu, bởi vì nếu bạn không chăm sóc sức khỏe, bạn sẽ bị bệnh; nếu bạn không ăn, bạn sẽ chết; nếu bạn không kiếm được tiền, bạn sẽ không thể tự nuôi mình. Lưu ý rằng, khi làm những việc có vẻ vô thưởng vô phạt này, bạn đang tư lợi. Con người tồn tại bằng hành động vì lợi ích của chính họ, nhân danh quyền lợi của họ.

Hãy nghĩ về một đứa bé, một đứa trẻ sơ sinh. Một đứa bé phải ăn, ngủ, di chuyển và chống lại vi khuẩn. Khi làm tất cả những điều khiến người lớn vui mừng này, và cả những việc sau đó nữa, khi đứa trẻ lớn dần, làm được nhiều việc hơn như chạm, nắm, bò, đi, và nói - tất cả những điều mà chúng ta hoan nghênh và khuyến khích, đứa trẻ đang thúc đẩy lợi ích của chính mình. Thật là một đứa trẻ ích kỷ khó chịu, nhỉ? Nhưng không chỉ trẻ em cần làm điều này để thúc đẩy lợi ích của chúng, tất cả chúng ta cũng làm những điều này, trong suốt cuộc đời của mình. Trong thực tế, điều này áp dụng cho bất kỳ sinh vật sống nào. Chúng phải hành động vì lợi ích của mình để duy trì sự sống. Rõ ràng những dạng sống thấp hơn không có ý thức lựa chọn hành động của mình: lũ giun không quyết định một hướng đi cụ thể nào, cây xương rồng không lựa chọn trải qua quá trình quang hợp, và rồi, bạn biết đấy, vào một ngày không vui, nó nói rằng “Tôi sẽ ngủ nướng, hôm nay tôi không có tâm trạng để làm việc”. Nhưng vấn đề là mọi sinh vật phải hoạt động theo một cách nhất định, một hình thức phù hợp với cuộc sống của chúng nếu chúng muốn sống sót. Cuộc sống là một quá trình, không phải là một đối tượng, một thực thể tĩnh. Nó là một quá trình, một chuỗi các hành động tự tạo và tự duy trì, và bản chất của cuộc sống đòi hỏi sự vị kỷ. Sống đòi hỏi những hành động tự thúc đẩy.

Đối với con người, một số hành động thiết yếu là bản năng, cố định về mặt sinh lý, được mã hóa về mặt di truyền. Tôi cần thở, tiêu hóa, bơm máu nhưng tôi không cần phải chủ động ép mình thực hiện những việc này mỗi ngày, phải không? Tôi thức dậy vào buổi sáng và tự nhắc bản thân về một số việc nhất định nhưng những điều này không được đưa vào danh sách việc cần thực hiện, đúng chứ? Bạn không cần phải chủ ý hướng dẫn bản thân theo cách đó. Nếu con người chỉ hành động theo những lập trình sinh học, điều đó không đủ. Chúng ta phải có những hành động khác để đáp ứng các nhu cầu khác: nhu cầu về thực phẩm và nơi ở, chăm sóc y tế khi bị bệnh, nhu cầu về tiền bạc, kiến thức, tình bằng hữu, giải trí và rất nhiều thứ khác. Kết quả là, sự vị kỷ là lối sống hợp lý; mỗi người nên theo đuổi trạng thái hạnh phúc của riêng mình bởi vì chúng ta cần phải làm thế nếu muốn sống, muốn phát triển và đạt được hạnh phúc.

Và lưu ý rằng, mặc dù người ta lên án tính ích kỷ một cách rộng rãi, có một vài điểm thuộc về sự ích kỉ trong xã hội của chúng ta mà mọi người thường chấp thuận, những điểm mà họ không xem thường. Ví dụ, yêu cầu tăng lương. Chúng ta nghĩ rằng điều đó hoàn toàn hợp lý, đúng chứ? Chúng ta thường động viên nhau: “Bạn nên yêu cầu tăng lương, bạn xứng đáng với điều đó, họ nên coi trọng bạn”, phải không? Đó là một hành động tư lợi nhưng bằng cách nào đó, chuyện ấy lại không sao. Hoặc chúng ta nói: “Đừng tự làm một tấm thảm chùi chân, đừng để họ dẫm lên bạn”. Chúng ta đã học được điều đó từ Oprah nhiều năm trước, phải không? Và chúng ta nghĩ rằng điều đó tốt. Bỏ phiếu cho ứng cử viên đem lại lợi ích tài chính, với bạn thường được xem là khá hợp lý; tự bảo vệ mình nếu bị tấn công - tự vệ, lo ngại quyền riêng tư của bạn liên quan tới sự rình mò của NSA ,... Đây là những tình huống mà ngay cả một xã hội có xu hướng lên án lợi ích cá nhân cũng chấp nhận nó. Chà, tôi nghĩ những ví dụ này minh chứng cho tuyên bố mà tôi đã đưa ra - rằng chúng ta phải tập vị kỷ. Chúng ta “dung túng” cho sự vị kỷ trong những lĩnh vực này bởi vì chúng ta phụ thuộc vào nó.

Sự sống đòi hỏi một người phải hành động để thúc đẩy lợi ích của chính mình. Tập từ bỏ lợi ích bản thân một cách nhất quán 100% là hoàn toàn không thể. Không ai có thể tồn tại theo một lối sống như vậy.

Giờ thì chúng ta đã có một lời giải thích ngắn gọn về lý do tại sao nên vi kỷ. Bây giờ, chúng ta có thể chuyển sang loại vị kỷ cụ thể mà Ayn Rand bảo vệ. Và thật ra bà khẳng định đây là loại vị kỷ duy nhất thực sự là vị kỷ, loại vị kỷ thực sự phục vụ lợi ích của một con người. Điều này cần được làm rõ khi chúng ta xác định lợi ích cá nhân và theo đuổi nó sâu sát hơn, đặc biệt với một số điều không phải là ích kỷ và không phải là hành động theo đuổi sự ích kỷ nhưng thường bị nhầm lẫn.

09 quan điểm sai lầm về vị kỷ

Thứ nhất, lợi ích cá nhân không rõ ràng.
Hãy suy nghĩ về những quyết định mà thỉnh thoảng bạn đưa ra khi mục tiêu của bạn đã rõ ràng: bạn muốn làm những gì tốt nhất cho bản thân, đúng chứ? Tuy nhiên, cách để làm điều đó, không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ví dụ: Nên học đại học ở đâu – một quyết định mà một người trẻ 18 tuổi phải đối mặt. Bạn phải cân nhắc rất nhiều yếu tố để tìm ra ngôi trường tốt nhất cho mình. Bạn có thể nghĩ tới một vài thứ mà bạn cần phải xem xét: chi phí, gói trợ cấp tài chính mà mình có thể nhận được từ trường này, bạn phải làm việc trong bao lâu để có được thu nhập cần thiết nếu bạn muốn học tại trường đó với học phí như vậy, và cả những chi phí liên quan khác. Bạn phải suy nghĩ về thế mạnh của trường trong các lĩnh vực học thuật khác nhau mà bạn quan tâm: nghệ thuật, lịch sử, sinh học, khoa học máy tính, bất cứ điều gì có thể, đúng không? Bạn sẽ muốn nghĩ về các khía cạnh trải nghiệm khác ở đại học: trường này có nhiều tiệc tùng lễ hội không? Nó có phải là trường bán trú không? Nó nằm ở đâu? Nó cách gia đình tôi bao xa? Nó cách chỗ bạn trai tôi bao xa, nhỉ? Đây có phải là một ngôi trường uy tín? Bằng cấp của trường này có được đánh giá cao không? Trường có thế mạnh trong các lĩnh vực cụ thể mà tôi quan tâm không? Bằng cấp như vậy sẽ giúp tôi tìm được loại công việc tôi muốn chứ? Bạn phải đặt ra những câu hỏi tương tự cho tất cả các trường khác. Tôi đang tưởng tượng “một vũ trụ tích cực”, trong đó, bạn được chấp nhận vào rất, rất nhiều trường khác nhau và có nhiều lựa chọn. Song, vấn đề là, bạn phải suy nghĩ về những câu hỏi tương tự và những ưu, nhược điểm khác nhau của ngôi trường này so với những ngôi trường khác. Chúa ơi, bạn có thật nhiều việc phải làm!

Vẫn chưa rõ ràng điều gì là tốt nhất, ngay cả khi, một lần nữa, mục tiêu của bạn, ý định của bạn là: Tôi muốn làm những gì tốt nhất cho tôi, cho lợi ích cá nhân của tôi.

Hãy lướt qua một hoặc hai ví dụ khác về điều này. Bởi vì mọi người phải đối mặt với những điều bất định tương tự trong nhiều quyết định mà họ gặp phải trong đời. Chuyển nhanh qua 15 hoặc 20 năm sau, bạn đã có tấm bằng tốt nghiệp, có một công việc, bạn đã kết hôn, ổn định, và hạnh phúc với những đứa trẻ, hạnh phúc với những việc bạn đang làm, với công việc mà bạn có. Nhưng một công ty khác mời bạn về làm việc với mức lương cao hơn đáng kể. Tôi không biết bao nhiêu tiền là “đáng kể” đối với bạn nhưng hãy tưởng tượng, thêm 15,000 đô la, ồ nghe hay đấy, tuyệt vời. Có dễ để thấy rằng chấp nhận công việc mới này sẽ mang lại lợi ích cho bạn? Không. Tiền là một yếu tố nhưng có những yếu tố khác: Bản chất của công việc mới là gì? Những trách nhiệm khác? Bạn thích những thứ đó không? Bạn sẽ học hỏi được gì từ chúng? Liệu chúng có quá thử thách không? Liệu chúng có gây choáng ngợp không? Hay chúng sẽ nhàm chán? Thỏa thuận là gì? Những đồng nghiệp ở đó so với những đồng nghiệp hiện tại thì sao? Văn hóa công ty đó như thế nào? Nhận công việc này có nghĩa là thời gian dành cho gia đình sẽ ít hơn không (Đôi khi bạn có thể muốn dành ít thời gian hơn cho gia đình, phải không?)? Phải làm thêm giờ, đi làm xa hơn, thường xuyên công tác? Rất nhiều điều để xem xét.

Thêm một ví dụ nữa có phần kịch tích hơn. Bác sĩ chẩn đoán bạn mắc bệnh nan y và đưa ra các phương án điều trị, bạn nên chọn phương án nào? Để quyết định, bạn cần so sánh những thứ như tỷ lệ thành công, tác dụng phụ, kinh nghiệm của bác sĩ trong các phương án điều trị khác nhau, chi phí, những khoản nào bảo hiểm sẽ chi trả. Vấn đề, một lần nữa, đó là ngay cả khi bạn tìm cách nâng cao lợi ích cá nhân của chính mình, nếu đó là mục tiêu tối cao và rõ ràng thì không phải lúc nào bạn cũng rành mạch việc làm thế nào để thực hiện mục tiêu.

Vì vậy, chúng ta không nên cho rằng người vị kỷ luôn dễ dàng biết cách thúc đẩy lợi ích của bản thân. Tuyên bố điều-gì-đó thực sự là lợi ích của một người thể hiện một sự suy xét tinh vi về mức độ phù hợp giữa điều-gì-đó với toàn bộ hệ giá trị của người này, và đó là tuyên bố cho rằng điều-gì-đó sẽ là ưu thế thực cho hạnh phúc lâu dài của họ. Kế hoạch hành động vì lợi ích cá nhân không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Thứ hai, vị kỷ không phải là chủ nghĩa chủ quan, không phải bất cứ điều gì bạn tin là lợi ích của bạn đều thật sự đúng như thế. Suy nghĩ cho rằng một cái gì đó tốt cho bạn không làm cho nó trở nên tốt cho bạn; người đàn ông bạn coi là một nửa hoàn hảo của mình có thể là một nửa của ai khác; khoản đầu tư mà bạn trông đợi sẽ có lợi nhuận an toàn và ổn định đôi khi không như ý bạn; loại thuốc mà bạn đang sử dụng để điều trị vấn đề tuyến giáp, đôi khi có thể không có tác dụng; các nghiên cứu sức khỏe mới nhất cho thấy, mèn ơi, họ đã nhầm lẫn về toàn bộ ảnh hưởng của loại thuốc đó. Rand không chấp nhận chủ nghĩa chủ quan. Bạn có thể bị nhầm lẫn về những gì là lợi ích cá nhân của bạn. Đó là lý do tại sao chúng ta đấu tranh với những quyết định mà chúng ta đưa ra: bởi vì chúng ta muốn có quyết định đúng, vì lợi ích thực tế của chúng ta. Và hãy nhớ điểm mấu chốt: chính nhu cầu của chúng ta xác định điều gì là tốt cho chúng ta

Thứ ba, chủ nghĩa vị kỷ không phải là chủ nghĩa duy vật bởi vì sự quan tâm của bạn không chỉ là vật chất. Nhiều người coi một người ích kỷ là “tham lam”, kẻ muốn có nhiều “đồ chơi”: tiền bạc, xa xỉ phẩm và những thú vui vật chất cho bản thân; anh ta là kẻ tìm kiếm những chiếc xe hơi đắt tiền, những ngôi nhà lớn, những kỳ nghỉ xa hoa, công nghệ hiện đại nhất, và chỉ ăn tối tại các nhà hàng Michelin, phải không? Kẻ quá quan tâm đến những tiện nghi vật chất của mình.

Điểm này hơi phức tạp vì lợi ích cá nhân bao gồm một phần vật chất, vì vậy, sự ích kỷ là bận tâm đến, hay một người ích kỷ nên bận tâm đến, việc có được tài sản vật chất. Nhưng điều hiếm khi được lưu tâm là lợi ích cá nhân cũng có một chiều kích “tâm linh”. “Tâm linh”, khi sử dụng từ này, Ayn Rand không có nghĩa là “thần bí” hay “siêu nhiên”. “Tâm linh”, theo bà, là những gì thuộc về tâm trí của bạn, trái ngược với cơ thể của bạn. Nó liên quan đến ý thức của bạn, trạng thái nhận thức của bạn. Vậy, tôi đang nói về cái gì thế?

Các khía cạnh phi vật chất của hạnh phúc: đời sống tinh thần của bạn, đời sống tình cảm và tâm lý của bạn. Những ví dụ về tài sản tinh thần: những phẩm chất tính cách nhất định, mối quan hệ nhất định, trí thông minh, ý chí, lòng tự trọng, sự tự tin. Đây là những giá trị tinh thần, như một tình bạn thân thiết, một cuộc hôn nhân mặn nồng, một sự nghiệp thăng hoa. Bạn không thể mua những thứ này trên Amazon, ngay cả với tài khoản Amazon Prime. Tuy nhiên, thật tốt nếu bạn có được những thứ tốt đẹp này, đúng chứ? Thật tốt khi có sự nghiệp, công việc và một cuộc hôn nhân mãn nguyện, và vân vân. Các giá trị tinh thần khác: giáo dục, nghệ thuật, cảm hứng, niềm tự hào, mục đích, sự lạc quan… Đây là những tài sản nhưng chúng không phải là tài sản vật chất. Đây là những giá trị vì chúng chắc chắn đóng góp cho trạng thái hạnh phúc của một người.

Mấu chốt là, vì một người không chỉ là một cơ thể vật chất nên tài nguyên vật chất không phải là toàn bộ trạng thái hạnh phúc của họ. Cuộc sống của chúng ta vừa mang tính tâm lý vừa mang tính vật lý. Vì vậy, lợi ích cá nhân bao gồm cả yếu tố tinh thần và yếu tố vật chất. Vô số hàng hóa phi vật chất như: bạn bè, âm nhạc, giáo dục, tôi hy vọng bài giảng này nữa, có thể là lợi ích của ai đó.

Điều này có ý nghĩa gì? Nó mở rộng hiểu biết của chúng ta về sự vị kỷ, về phạm vi của sự vị kỷ. Nó chỉ ra rằng phạm vi hành động vì lợi ích cá nhân rộng hơn nhiều so với suy nghĩ thông thường. Và nó gợi ý những cách thức mà trong đó người ta có thể mặc nhiên xem một số hành động nhất định là vì lợi ích của bản thân mà thực ra không phải vậy. Bởi vì chúng làm suy yếu quan điểm của một người nhất là về những giá trị tinh thần quan trọng này. Ví dụ, không phải vì thứ gì đó giúp bạn kiếm được nhiều tiền mà bạn cho rằng đó là lợi ích của mình. Nó có thể đúng như vậy, cũng có thể không. Bạn phải đo lường tất cả các khía cạnh tác động của nó đối với tất cả các khía cạnh của hạnh phúc để đưa ra phán quyết cuối cùng. Chấp nhận một công việc lương thấp hơn nhưng thỏa mãn hơn ở những mặt khác, có thể là điều “ích kỷ” để làm. Hình ảnh về lợi ích cá nhân bị tách rời khỏi chiều kích “tâm-linh” chỉ đơn giản là không đúng với trải nghiệm của con người.

Thứ tư, hành động vì lợi ích cá nhân không phải là bản năng.
Rand không ủng hộ “sự vị kỷ tâm lý”, cái luận điểm miêu tả rằng mọi người trên thực tế luôn luôn hành động để thúc đẩy lợi ích cá nhân. Không chỉ bởi khó có thể tìm ra hành động nào hay phương hướng hành động nào thực sự có lợi nhất cho tôi mà còn bởi khó có thể thực hiện những hành động ấy. Như thế nào? Tại sao?

‘Tôi có thể không có tâm trạng để làm chuyện đó’, đúng chứ? Điều đó vẫn xảy ra. Nó có xảy ra với bạn không? Nó đòi hỏi thời gian và năng lượng và đôi khi tôi không sẵn lòng. Nói chung, tập thể dục và ăn uống lành mạnh là tốt cho mọi người, nhưng nhiều người không thường xuyên làm như vậy, đúng chứ? Bởi vì có một số thời điểm, bạn chỉ muốn ngồi trên ghế sô pha, và say sưa xem House of Cards, và ăn pizza, bánh quế của Domino hay bất kỳ cửa hàng nào khác, phải không? Tóm lại là, muốn tận hưởng. Nói chung, lên kế hoạch nghỉ hưu cũng là lợi ích của một người, đúng chứ? Thực hiện một số tính toán tài chính và đưa ra quyết định về cách tiết kiệm, sau đó mở tài khoản và gửi tiền vào thường xuyên. Nhưng mọi người thường không làm như vậy. Tại sao? Tính toán rất nhàm chán, và tiết kiệm tiền có nghĩa là trì hoãn tiêu dùng. Bạn không muốn thế. Tôi muốn mua chiếc xe láng coóng đó, v.v., vì thế chúng ta không thực hiện nữa. Một yếu tố khác chống lại hành động vì lợi ích cá nhân là định kiến xã hội. Mọi người đã quen với việc thấy người khác thực hiện “nghĩa vụ” vị tha, vì vậy khi bạn nói với một người bạn: “Không, tớ không thể giúp bạn vào cuối tuần này vì tớ cũng có việc phải làm” – “Cậu có việc phải làm?”. “Cậu biết đấy, bài vở của tớ, việc nhà, hay, có thể là một buổi chiều được hoàn toàn nghỉ ngơi mà tớ đã trông đợi bữa giờ”. Bạn sẽ nhận được một ánh mắt đen tối, hay những phản ứng đầy tò mò.

Bạn cần có một sức mạnh tâm lý nhất định để bắt mình thực hiện điều đó, nói không với bạn bè, nói không với luật sư của United Way trong chiến dịch thường niên tại công ty của bạn, nói không với anh chàng tốt bụng trong văn phòng, anh chàng đáng mến đã tham gia chạy marathon để quyên góp tiền cho các bệnh nhân ung thư vú hay gì đó, phải không? Vì vậy, cần có một sức mạnh tâm lý nhất định để khẳng định lợi ích cá nhân của bạn. Xin nhấn mạnh một lần nữa, hành động vì lợi ích cá nhân của bạn không phải là bản năng. Và luận điểm tiếp theo của tôi có liên quan rất chặt chẽ đến điều này. Bạn nên lưu ý, vì nó gần như cùng một ý, hoặc một hàm ý. Luận điểm thứ năm đó là, việc theo đuổi lợi ích cá nhân không hề dễ dàng.

Việc đạt được lợi ích cá nhân là một thành tựu lớn. Hãy xem xét những gì cần thiết để đạt được bất kỳ mục tiêu dài hạn nào: nhận bằng tốt nghiệp, hoàn thành một cuộc thi marathon, gia nhập một đội tuyển, giả sử đội tuyển bơi của trường đại học hoặc một đội tuyển Olympics, thành công trong sự nghiệp điều dưỡng, giảng dạy, làm phim. Hãy sử dụng ví dụ về Thế vận hội.

Hãy suy nghĩ về những gì liên quan đến một nỗ lực nghiêm túc, bạn biết đấy, một nỗ lực đáng tin cậy của một vận động viên bơi lội trẻ tuổi: gia nhập đội tuyển Olympic quốc gia. Hãy nghĩ về những vấn đề có liên quan đến nỗ lực này: việc lên kế hoạch, việc quyết định phương thức đào tạo tốt nhất, chế độ tập luyện tốt nhất, chương trình tập luyện, lịch tập luyện, chế độ ăn uống, huấn luyện viên thích hợp để thuê, để thúc đẩy và huấn luyện tôi một cách phù hợp. Sau đó áp dụng và duy trì một chế độ như vậy trong nhiều tháng và thường là hơn một năm, phải không? Một quyết định như vậy tất yếu sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của người đó: họ ngủ bao nhiêu giờ, họ làm gì vào cuối tuần, họ giao tiếp với ai, họ tiêu tiền vào việc gì vì họ cần phải chi trả cho huấn luyện viên và các cơ sở đào tạo, hoặc đi lại để tham gia các cuộc thi khác nhau, v.v. Phải thừa nhận rằng gia nhập đội tuyển Olympic là một mục tiêu khá tham vọng. Song, mục tiêu hạnh phúc của bạn còn phức tạp hơn vì nó liên quan đến việc sắp xếp tất cả các mục tiêu vật chất và tâm lý của bạn: sự hài lòng trong công việc, đời sống xã hội, sức khỏe, tài chính, gia đình, v.v. Một lần nữa, thực tế là sự vị kỷ đòi hỏi phải suy nghĩ để tìm ra con đường nào sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích tổng thể của bạn, và đòi hỏi kỷ luật bản thân để hành động. Điều đó không hề dễ dàng.

Và tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt một điểm liên quan, điểm thứ 6: Sự vị kỷ đòi hỏi một “cái tôi” để được phục vụ.

Sự vị kỷ đòi hỏi bạn phải xây dựng một “cái tôi”. Tôi đang nói về cái gì vậy? Trong một đoạn văn cảm động từ tiểu thuyết Suối Nguồn, nhân vật Peter và Dominique đã thảo luận về điều này, và tôi đã trích một đoạn từ cảnh đó, đưa vào tài liệu trên tay các bạn. Tôi sẽ chỉ đọc một phiên bản thậm chí còn ngắn hơn. Đây là Peter và Dominique: “Thế thực sự em là cái gì?” Dominique hỏi. Peter trả lời: “Một người thực sự là gì à? Đó không chỉ là thân thể. Đó là linh hồn. Là em, là cái ở bên trong em”. Dominique: “Là cái khiến ta suy nghĩ, đánh giá và ra quyết định à?”. “Đúng vậy! đúng rồi, chính nó”, anh đồng ý. Nếu bạn đã đọc Suối Nguồn, bạn sẽ nhận ra, thật đáng buồn, Peter từ bỏ nhận thức về bản ngã chỉ trong phút chốc. Trong một cảnh khác, một trích dẫn nổi tiếng của Rand, Roark lưu ý rằng, “Để nói “Anh yêu em” thì người ta phải nói từ “Anh” trước đã”. Theo cùng một logic, bạn không thể yêu bản thân mình, trừ khi có một cái tôi để được yêu. Bạn không thể yêu bất cứ ai hay bất cứ điều gì; bạn không thể có giá trị hoặc lợi ích cho đến khi có bạn. Rand coi ích kỷ là một thành tựu. Bà viết, và tôi đã trích dẫn câu này trong tài liệu của bạn: “Ích kỷ là một thành tựu mang tính khái niệm triết học to lớn”.

Tôi tin rằng bà đề cập điều này theo nghĩa kép, rằng ích kỷ có nghĩa là: làm những gì tốt cho bạn, những gì có lợi; có suy tính, can đảm hay tự giác để lựa chọn hành động một cách đúng đắn, để lựa chọn từ những lựa chọn thay thế để thúc đẩy lợi ích của bạn. Nhưng bên cạnh đó, tôi nghĩ một điều quan trọng nhưng thường bị đánh giá thấp là việc rèn luyện cái tôi, trong việc định hình những trải nghiệm tạo nên bản thân bạn, từ khi bạn được sinh ra đến khi trở thành một người có bản sắc riêng, có thể phân biệt tốt xấu rõ ràng.

Tạo một cái “tôi” không chỉ là “số an sinh xã hội”, không chỉ là một cơ thể biết thở, tiêu hóa và thực hiện các chức năng sinh lý khác. Vì vậy, đó là một suy nghĩ khá phức tạp. Và tôi, tôi không nghĩ rằng tôi có thể đề cập đầy đủ, rõ ràng và mạch lạc về nó. Nhưng hãy ở lại với tôi, hãy cùng làm sáng tỏ nó, được chứ? Một lần nữa, luận điểm chính là: sự ích kỷ đòi hỏi một “cái tôi” để được phục vụ. Phải có ai đó “ở nhà”, có thể nói như vậy. “Tôi” không chỉ đơn giản là “người giữ chỗ”, một hình nhân phản ứng khi tên “Tara Smith” được gọi lên. Nó không giống như một hộp thư, hay một “thùng” chứa kinh nghiệm, hay bất cứ điều gì giống như vậy.

Một “cái tôi” sống. Nó tự tạo ra trải nghiệm. Nó hoạt động như một con người. Nó đặt ra mục tiêu và hành động để đạt được mục tiêu. Nó tự sinh ra, hãy nhớ lại phần trước chúng ta đã nói, rằng “cuộc sống là một quá trình hành động tự sinh”, nhưng đó là quá trình tự sinh ở cấp độ con người, một cách tự nguyện. Cái tôi không có sẵn. Lợi ích không có sẵn. Khoa học về cuộc sống, bạn có thể nói như vậy, là có sẵn. Nhu cầu nhân quả và những nhu cầu vật chất cơ bản của chúng ta, được thiết lập không phụ thuộc vào chúng ta. Nhưng nghệ thuật cuộc sống, niềm vui cuộc sống, ý nghĩa cuộc sống, thì không phải vậy. Và bạn thì không vậy. Điều gì làm cho bạn trở thành một người, một bản thể, một cá nhân, hồi đáp khi một cái tên cụ thể được gọi lên: Tara hoặc Kathy hoặc Keith,…? Chính bạn tạo ra người đó. Chính bạn cung cấp người đó. Chính bản thân bạn. Cuộc sống của bạn không phải là một dự án khoa học. Bạn không chỉ đơn giản xác nhận thêm rằng, “Phải, con người, họ cần nước, họ cần đạm”. Con người tự tạo ra tâm hồn của mình. Và hình thành một tâm hồn như vậy rất quan trọng đối với khả năng sống ích kỷ và hạnh phúc của bạn. Trở nên ích kỷ, như tôi đã nói, có nghĩa là theo đuổi các giá trị của bạn - các giá trị khách quan giúp gia tăng hạnh phúc của bạn. Một người ích kỷ có những giá trị: trở thành một người-đánh-giá và hành động để thúc đẩy giá trị. Đánh giá bản thân là trung tâm trong cuộc sống của một người ích kỷ.

Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rằng đánh giá không chỉ là ‘muốn’.

Đánh giá là một hoạt động lý tính. Nó xuất phát từ tư duy, được hướng dẫn bởi lý lẽ, một loại kỷ luật. Để trở thành một người ích kỷ thành công, bạn phải học cách đánh giá. Đánh giá ích kỷ không phải là bản năng, và cũng không phải là bản năng thứ hai. Nó đòi hỏi sự lựa chọn mục đích thông minh, cũng như các phương tiện để đạt được những mục đích ấy.

Bạn phải đánh giá các giá trị tiềm năng, liệt kê các mục đích mà bạn ấp ủ, tương quan với bức tranh lớn về cuộc sống của bạn, cùng tất cả các yếu tố của nó – tất cả các giá trị, cam kết và mục đích trung tâm của bạn. Để đạt được hạnh phúc, bạn phải học những cách ích kỷ để xử lý các mong muốn của mình: làm thế nào để quản lý chúng, khi nào nên nhượng bộ chúng, khi nào không; chính sách nào sẽ chi phối chúng, làm thế nào để đánh giá chúng, xác định mong muốn nào thì tôi nên nghĩ là: “Không, đó là khỏe mạnh, đó là bình thường, điều đó ổn thôi, đó là dấu hiệu cho thấy đang có vấn đề. Đợi đã, đó là sản phẩm của những giả định sai lầm, hay ít nhất là đáng ngờ. Đó có thể là một vấn đề tâm lý mà tôi phải xử lý, phải không?”

Bạn phải học cách quản lý mong muốn của mình, trở thành một người đánh giá hợp lý và nghiêm túc. Sự ích kỷ đòi hỏi khắt khe. Nó không chỉ đơn giản là những gì còn sót lại sau khi bạn từ chối lòng vị tha, được chứ? Nó không chỉ đơn thuần là quan điểm mặc định. Vị kỉ duy lí là một thành tựu tích cực.

Thứ bảy, Chủ nghĩa vị kỷ không phải là chủ nghĩa khoái lạc.
Chủ nghĩa khoái lạc là học thuyết cho rằng niềm vui là tiêu chuẩn của giá trị. Niềm vui và nỗi đau thiết lập chuẩn mực cho tốt và xấu, đúng và sai. Nếu điều gì đó khiến bạn cảm thấy tốt thì đó là vì nó tốt; nếu nó làm bạn cảm thấy tồi tệ, nếu nó gây đau đớn hoặc khó chịu cho bạn, nó hẳn phải là điều xấu. Hãy nghĩ lại về chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa vị kỷ của Rand. Chủ nghĩa vị kỷ của Rand lập luận rằng bạn nên theo đuổi tư lợi duy lí. Nhưng lợi ích cá nhân không tương đồng với niềm vui. Mọi người nhầm lẫn giữa hai khái niệm này vì sự chồng chéo liên tục giữa lợi ích cá nhân và niềm vui thú. Nhiều người thấy việc tập thể dục vừa vui vừa tốt cho họ, tốt cho hệ tim mạch của họ, v.v., phải không? Đọc một cuốn sách cũng có thể vừa thú vị vừa tốt cho bạn. Bạn có thể rút ra những bài học quý giá từ cuốn sách, có thể là một cuốn sách kỹ năng, có thể là một cuốn sách về đầu tư, có thể là tiểu thuyết hư cấu của một tác giả nổi tiếng, v.v

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm khi kết luận rằng mọi thứ dễ chịu đều là lợi ích cá nhân hoặc mọi điều phục vụ cho lợi ích của bạn đều sẽ dễ chịu. Và không khó để xác định những trường hợp mà hai khái niệm này tách rời nhau, phải không? Đôi khi sẽ thú vị hơn nếu đi dự tiệc nhưng lợi ích tốt nhất của bạn lại là ở nhà và học cho kỳ thi vào sáng mai. Đôi khi thật khó chịu khi phải đi đến nha sĩ nhưng việc này lại thật sự là lợi ích của bạn. Đôi khi bạn thực sự muốn hét vào mặt ông chủ, nhưng đó lại không phải là lợi ích tốt nhất của bạn. Những ví dụ này tôi nghĩ là khá đơn giản và không hề khó hiểu. Chúng không hề phức tạp, đúng chứ? Nói suông thì thật dễ. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi nghĩ đó thực sự là một trở ngại thường xuyên.

Trong những trường hợp cụ thể, khi có điều gì đó hấp dẫn, dạng như: “điều đó thật thú vị, thật tuyệt”, chúng ta thường nhầm lẫn giữa hai cảm giác và suy nghĩ rối rắm về những gì lợi ích cá nhân thật sự sẽ lên tiếng. Vì vậy, điều tôi muốn nói ở đây là: hãy cẩn thận. Bạn thực sự muốn tiêu hóa điểm này về mặt lý thuyết, thực tế là “niềm vui và lợi ích không phải là một và không đồng nghĩa với nhau” và hãy ghi nhớ điều này khi đưa ra quyết định. Hạnh phúc không đơn giản đạt được bằng cách làm bất cứ điều gì bạn muốn làm, bất cứ điều gì bạn cảm thấy tốt đẹp. Chủ nghĩa vị kỷ không giống với chủ nghĩa khoái lạc bởi vì chủ nghĩa khoái lạc coi niềm vui là tiêu chuẩn của những gì bạn nên làm và không phục vụ hạnh phúc thực sự của bạn. Đó không phải là một hướng dẫn đáng tin cậy, đúng chứ?

Thứ tám, Chủ nghĩa vị kỷ chân chính không phải là chủ nghĩa cảm xúc.
Sự vị kỷ không để cảm xúc điều khiển và kiểm soát lựa chọn của bạn. Lý trí nên là người hướng dẫn của bạn. Cảm xúc là tác động trở lại. Những cảm xúc cụ thể mà bạn trải nghiệm là kết quả của những điều bạn tin tưởng và đánh giá của bạn về chúng. Chẳng hạn, bạn về nhà và kiểm tra tin nhắn của mình. Và Chúa ơi, bạn nghe thấy giọng nói của bác sĩ trên hộp thư thoại, ngữ điệu có vẻ nghiêm trọng. Và bạn đang mong đợi kết quả sinh thiết, phải không? Vậy nên tim bạn thắt lại, và cảm xúc của bạn là: trời ơi, đó hẳn là một tin xấu. Hoặc một ví dụ khác sáng sủa hơn: bạn đang rất vui mừng vì nhận được thông báo trúng tuyển từ trường đại học trong mơ của mình. Tại sao? Bởi vì bạn nghĩ rằng “Tôi đã đậu rồi” đúng chứ? Nó là cảm xúc: “Tôi muốn tới đó, tôi muốn theo học ngôi trường đó hơn bất cứ người nào hay bất kỳ nơi nào khác và giờ tôi biết tôi có thể làm được, ít nhất trước khi tính đến những vấn đề tiền bạc khác, phải không? Giờ đây, tôi biết rằng điều đó có thể.”. Xin nhắc lại một lần nữa, một cảm xúc phản ứng với một sự kiện dựa trên niềm tin của bạn và đánh giá của bạn về sự kiện đó. Nhưng, bởi vì niềm tin và đánh giá làm cơ sở cho cảm xúc của chúng ta có thể sai, chúng không phải là thước đo đáng tin cậy về những gì thực sự tốt cho bạn, đúng chứ? Bạn có thể đã hiểu nhầm giọng nói trên hộp thư thoại của bác sĩ, phải không? Có lẽ tất cả chúng ta đều trải nghiệm đôi lần mình đã thực sự tức giận với một người dựa trên điều mà ta nghĩ họ đã làm, và sau đó phát hiện ra họ đã không làm điều đó, hoặc hoàn cảnh khá khác biệt, vì vậy, cơn giận là vô lý, phải không? Đó là lý do tại sao cảm xúc không phải là một người dẫn đường tốt. Vì vậy, một lần nữa, chủ nghĩa vị kỷ duy lí không phải là chủ nghĩa cảm xúc. Tuy nhiên, vị kỷ duy lí không phải là chủ nghĩa cảm xúc, nhưng nó lại mang đầy đủ cảm xúc. Sự tư lợi duy lí là sự tư lợi về mặt cảm xúc, nó đầy đam mê. Không phải bởi ý muốn, không phải bằng nỗ lực có chủ ý, mà là tự nhiên. Nếu bạn quan tâm đến một cái gì đó, bạn sẽ có cảm xúc với nó. Sự thăng trầm của nó sẽ có tác động đến bạn. Đó không phải là một lựa chọn có tính toán, đó không phải là một kỹ năng được trau dồi, đó là thực tế cấu trúc của chúng ta.

Một người thực sự tư lợi theo đuổi lợi ích tốt nhất của mình là người được đầu tư. Họ muốn những gì tốt cho họ, vì vậy, họ quan tâm. Họ cảm nhận về những điều ảnh hưởng đến hạnh phúc của mình, tất cả mọi thứ: các ứng cử viên chính trị, các nội quy mới tại văn phòng, người phục vụ đã nhầm lẫn món ăn họ gọi, đúng chứ? Mọi thứ đều quan trọng. Điều này không có nghĩa là mọi thứ đều quan trọng như nhau. Thỉnh thoảng tôi phải tự trấn an mình rằng: “Được rồi, bình tĩnh nào, anh ta chỉ lấy nhầm cà phê thôi mà…”. Tuy nhiên, người vị kỷ cảm nhận được cảm xúc của mình- họ chấp nhận cảm xúc ấy – họ không bị chúng chi phối. Đây là lý do tại sao vị kỉ không phải là chủ nghĩa cảm xúc. Người vị kỷ không bị chi phối bởi cảm xúc. Họ không gán cho cảm xúc một vai trò nhận thức, hoặc vai trò ra quyết định mà chúng không thể thực hiện được. Nhưng họ không xua đuổi cảm xúc của mình, họ không xấu hổ về chúng. Họ xem chúng là nguồn thông tin về họ, về niềm tin và giá trị của chính họ, vốn có thể rất đích đáng, nếu họ phân tích chúng, nếu họ tự suy ngẫm về chúng và chúng tạo ra niềm vui của cuộc sống.

Sáng hôm nay, tự nhiên tôi nhớ tới câu thoại từ một vở kịch mà tôi thích. Và nếu tôi nghĩ tới nó sớm hơn, tôi có thể đã xem xét một bối cảnh để đề cập đến nó một cách rõ ràng hơn cho bạn, nhưng tôi nghĩ bây giờ tôi có thể nói về nó. Đó là một vở kịch của Tom Stoppard có tên là The Invention of Love - Nguồn gốc của Tình yêu thương, dựa trên cuộc sống của A.E. Housman, một số bạn có thể biết ông ta. Ông là một nhà thơ và là một một giáo sư văn học cổ điển tại Oxford, ồ có thể đó là Cambridge. Có một cảnh trong vở kịch, và tôi nghĩ đó là những gì đã xảy ra. Giáo sư Housman gọi nhầm tên một sinh viên, và sinh viên đó đáp lại ông, đại loại là “Ồ, em không phiền đâu ạ, em không quan tâm, không sao đâu ạ”. Và Hausman trả lời: “Em không suy nghĩ gì ư, Graves? Thật sự không suy nghĩ gì à? Thế mà toàn bộ cuộc sống lại nằm trong suy nghĩ đấy.” Vâng, cuộc sống nằm trong suy nghĩ, trong mối bận tâm đó.

Một quan niệm sai lầm cuối cùng tôi muốn sửa chữa: Chủ nghĩa vị kỷ không có nghĩa dẫm đạp người khác, không có nghĩa coi người khác là phương tiện để bạn đạt được mục đích. Tất cả các bạn sẽ không phải là những nhân vật phụ trong một bộ phim về tôi. Sự vị kỷ duy lí không phải là lợi dụng người khác hay làm tổn thương họ. Chủ nghĩa vị kỷ không kêu gọi một người thao túng, ngược đãi người khác. Lý do đơn giản là: hành hạ người khác không phải là lợi ích của một người. Một định kiến vốn có trong suy nghĩ của nhiều người là: vì lòng vị tha kêu gọi tôi hy sinh cho người khác, sự ích kỷ có nghĩa là người khác phải hy sinh cho tôi. Nhưng toàn bộ khuôn mẫu đó đã bị hiểu sai. Sự hy sinh không phải là một thành tố thiết yếu của chủ nghĩa vị kỷ duy lí.

Hãy nghĩ về ý nghĩa của sự hy sinh. Đó là sự từ bỏ một giá trị. Chính xác hơn, hy sinh là hoán đổi một giá trị lớn hơn cho một giá trị nhỏ hơn. Từ bỏ 0,25$ để đổi lấy cơ hội có được 1$ không phải là một sự hy sinh, mà là một khoản đầu tư. Cuộc sống đòi hỏi nhiều trao đổi như vậy: từ bỏ một giá trị nhỏ hơn để đạt được giá trị lớn hơn. Tôi muốn tiết kiệm tiền, nhưng tôi cũng muốn đi học đại học. Và bởi vì vế thứ hai có giá trị hơn đối với tôi, tôi xem xét tất cả mọi thứ, tôi đã đổi tiền tiết kiệm để được đi học. Song, điều đó không phải là một sự hy sinh. Đó là một hành động ích kỷ, và thường là ích kỷ thông minh.

Bây giờ, một lần nữa, nhớ lại những chỉ dẫn cơ bản về tính vị kỷ: Bạn nên theo đuổi lợi ích cá nhân của bạn, đúng chứ? Thúc đẩy trạng thái hạnh phúc của riêng bạn. Nó không hề đề cập đến người khác. “Người khác” không hề liên quan đến những chỉ dẫn về sự ích kỷ.

Lòng vị tha quy định: “Hy sinh bản thân mình vì người khác, hạ mình xuống trước người khác, đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu.”

Chủ nghĩa vị kỷ quy định: “Hành động vì chính mình”. Chủ nghĩa vị kỷ không nói: “Hy sinh người khác cho bản thân mình”. Chủ nghĩa vị kỷ cũng không nói: “Bóc lột người khác là cách tốt nhất để làm điều này”. Theo quan điểm của Rand thì không. Trong thực tế, nhiều điều tư lợi chúng ta làm hàng ngày không liên quan gì đến người khác, phải không? Hãy nghĩ về buổi sáng của bạn cho đến giờ, hoặc bất cứ khoảng thời gian nào khác trong ngày. Bạn đã làm điều gì vì lợi ích bản thân hôm nay chưa? Có lẽ bạn đã chủ ý ăn một bữa sáng lành mạnh, phải không? Có lẽ bạn đã uống vitamin hoặc thuốc bổ vì bạn nghĩ rằng chúng tốt cho bạn, đúng chứ? Có lẽ bạn đã chạy bộ, hoặc đi tập gym, hoặc đã thực hiện những bài tập dãn cơ để lưng bạn không bị đau trở lại, hay có lẽ bạn đã thiền vì bạn nghĩ rằng nó có ích (tôi đã thiền vào sáng nay).

Có phải những hành động ích kỷ này phụ thuộc vào việc lợi dụng người khác? Dựng chướng ngại vật trên con đường của họ? Không phải vậy. Rand có nhiều điều để nói về mối quan hệ đúng đắn giữa người với người, chủ yếu trong các cuộc thảo luận về công lý và quyền lợi. Quan điểm của tôi ở đây chỉ đơn giản là một người hoàn toàn có thể sống vì lợi ích bản thân mà không hề gây tổn hại cho người khác. Quả thật, một người chỉ có thể tư lợi bằng cách nhận ra rằng những người xung quanh có nhiều thứ để đề nghị anh ta hơn là những gì anh ta có thể chiếm được từ việc trục lợi người khác. Lợi dụng người khác không phải là cách tạo ra lợi ích cá nhân.

Vậy, sự vị kỷ đòi hỏi điều gì?

Theo dõi toàn bộ nội dung video tại Youtube channel Reason LLC Channel để tìm ra câu trả lời cho chính mình.
Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi.


>> Xem các bài viết khác