Giới Trí thức mới và vấn đề Triết học

Image
Truyền hình đại học Michigan thực hiện phỏng vấn Ayn Rand năm 1961. Đoạn lược trích sau đây nói về vấn đề sự leo thang của chủ nghĩa thần bí trong các nhà khoa học; và quá trình dài của một cá nhân muốn trở thành "Trí Thức Mới" tương lai.

Nhà khoa học và Triết học

James McConnell: Bà đã nói rằng mỗi nền văn hóa nên có triết gia của nó, và rồi những người trí thức nên là những người ít nhiều đưa triết lý vào thực tiễn.

Ayn Rand: Đúng rồi.

James McConnell: Dường như, theo tôi là, vẫn có một mặt khác, một vấn đề khác của điều này. Khoa học thì sao?

Ayn Rand: Vâng, khoa học là một hiện tượng rất gần đây. Khoa học tất nhiên là sản phẩm của thế kỷ thứ 19, của cuộc cách mạng công nghiệp, của chủ nghĩa tư bản, của một xã hội tự do. Bây giờ tôi phải đề cập đến kiểu người thứ ba, người rất hiếm khi là người cai trị của lịch sử hoặc của bất kỳ xã hội nào; họ là người bị lãng quên và bị lợi dụng của lịch sử. Đó là người lãnh đạo bằng lý trí. Đó là người, trong nhận thức luận tâm lý, không bị dẫn dắt bởi nhận thức tức thời hay bằng cảm xúc của mình mà bằng logic, bằng khái niệm của mình, bằng lý lẽ. Đó là người mà tôi gọi là “Nhà Sáng Chế”. Họ là người tạo ra không chỉ các giá trị vật chất của nhân loại mà còn và trên hết là các giá trị trí tuệ, triết học. Nhà sáng chế đầu tiên trong lịch sử, theo nghĩa cao hơn của từ này, sẽ là Aristotle, nhà triết học đầu tiên dựa trên lý trí.
Các nhà khoa học chắc chắn nên là Nhà Sáng Chế. Họ là những người được cho rằng nên như thế; và họ, theo bản chất nghề nghiệp của mình, phải đối mặt với việc nghiên cứu thực tại bằng việc sử dụng phương tiện lý lẽ. Thật không may, ngày nay, hầu hết họ, ngoài nghề nghiệp hạn hẹp của mình, thực chất bên ngoài phòng thí nghiệm, đang trở thành những nhà huyền môn hơn bất kỳ nhóm người nào khác. Lỗi một phần là của họ nhưng chủ yếu là lỗi của các nhà triết học. Vì không có sự hướng dẫn triết học nào cả, nhiều nhà khoa học ngày nay chuyển sang một loại thầy mo trong huyền học của chính họ.

James McConnell: Bà đã đề cập đến Nhà Sáng Chế. Ngoài những người cho chúng ta sản phẩm trí tuệ, còn doanh nhân thì sao? Bà đã nói về chủ nghĩa tư bản. Tôi muốn biết vai trò của họ trong việc này.

Ayn Rand: Vâng, doanh nhân cũng là một “sản phẩm” gần đây như trí thức. Trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời, không có doanh nhân chuyên nghiệp, và không có trí thức chuyên nghiệp. Cả trí tuệ lẫn sản xuất vật chất và thương mại đều bị nô dịch và cai trị bởi sự kết hợp đa dạng của Attilas và thầy mo, bởi một chính quyền có quyền thế lớn, bởi một loại chính quyền chuyên chế, cho dù đó là chủ nghĩa chuyên chế phong kiến hay chế độ quân chủ chuyên chế của châu Âu trong thời kỳ hậu Phục Hưng, trong mọi trường hợp, những người sản xuất hàng hóa vật chất, thương nhân và nhà sáng chế tư tưởng, giáo viên, triết gia, nhà khoa học ban đầu, là những người không có địa vị chính thức, không có sự bày tỏ và hoàn toàn chịu sự thương xót bởi người cai trị chính trị, nghĩa là chịu sự cai trị bằng vũ lực. Chỉ từ khi Cách Mạng Công Nghiệp và một xã hội tự do ra đời, xã hội của chủ nghĩa tư bản, mới có một tầng lớp mới là những người sản xuất hàng hóa vật chất tự do, những doanh nhân, những nhà công nghiệp. Họ tất nhiên là những Nhà Sáng Chế theo nghĩa chính xác nhất của từ này, hoặc nên là như thế, nhưng họ là nạn nhân lớn nhất của xã hội ngày nay. Họ là những người đã bị trí thức hiện đại phản bội, và theo nghĩa này, cả doanh nhân và trí thức sẽ tự sát bằng cách tiêu diệt lẫn nhau, và lỗi thuộc về trí thức. Doanh nhân là người phải sử dụng trí óc của mình để đối mặt với thực tại, xem xét cẩn thận sự thật, sản xuất hàng hóa vật chất. Họ là người đóng vai trò là vành đai truyền tải những khám phá của khoa học và mang các sản phẩm của khoa học đến mọi giai cấp trong xã hội. Họ là người dùng phát minh của các nhà khoa học lý thuyết hoặc của các nhà phát minh, biến chúng thành các sản phẩm hữu ích và đưa chúng vào sản xuất hàng loạt, làm cho chúng hiện hữu với mọi tầng lớp trong xã hội. Doanh nhân là người đã đạt được sự gia tăng phi thường, kỳ diệu mang tính lịch sử về mức sống của nhân loại trong thế kỷ thứ 19. Họ là người sống với vai trò của một Nhà Sáng Chế và vai trò của một người sáng tạo có lý trí, nhưng giới trí thức chưa bao giờ công nhận và tin tưởng vào điều đó, coi doanh nhân như một Attila, và sợ sự tự do trong chính họ, từ khi bắt đầu Cách Mạng Công Nghiệp họ tìm kiếm một dạng Attila nào đó để bảo vệ họ, những người trí thức, chống lại tư tưởng tự do.

Trở thành Trí-thức-mới

James McConnell: Chà, bà biết đấy, bà đã nói về sự lụn bại của những trí thức hiện đại và tôi biết rằng, trong cuốn sách gần đây nhất của bà, đây thực sự là một tuyên ngôn cho một nhóm mà bà gọi là Trí-thức-mới. Bà có phiền nói cho tôi biết họ là ai không, và họ khác với những trí thức kiểu cũ như thế nào?

Ayn Rand: Vì kiểu trí thức cũ, hiện tại đã tuyên bố lụn bại bằng cách chối bỏ trí tuệ, điều chúng ta cần ngày nay, cái mà tôi gọi là trí thức mới, sẽ là bất kỳ người đàn ông hay phụ nữ nào sẵn sàng tư duy - nghĩa là bất kỳ người đàn ông hay phụ nữ nào biết rằng cuộc sống của con người phải được dẫn dắt bởi lý trí, bằng trí tuệ chứ không phải bởi cảm xúc, ước muốn, ý thích bất chợt hay những mặc khải huyền học. Bất kỳ người đàn ông hay phụ nữ nào coi trọng cuộc sống của mình và không muốn nhượng bộ việc sùng bái sự thất vọng, thuyết khuyển nho và sự bất lực, và không có ý định từ bỏ thế giới cho thời kì tăm tối và sự cai trị của những nhóm lực lượng vũ lực.

James McConnell: Vậy Trí thức mới là một hiện tượng khá gần đây. Có bất kì kiểu nào trong quá khứ mà bà nhớ và chỉ ra không?

Ayn Rand: Chà, chỉ có thể nêu một vài ví dụ lịch sử theo cách chung nhất, Aristotle là người tôi cho là trí thức đầu tiên trong lịch sử, theo nghĩa tốt nhất của thế giới. Nhóm lập quốc Hoa Kỳ là những trí thức đầu tiên của Mỹ vì họ là những nhà tư tưởng cũng là những người hành động. Họ là những người biết rằng lý trí dẫn dắt thực tại của con người, rằng con người có thể đạt được một lối sống lý tưởng trên trái đất bằng lý trí của mình, và họ đòi hỏi sự tự do dẫn dắt những phán đoán và trí óc của họ, rằng con người nên đối xử với nhau bằng thương mại, bằng sự thuyết phục, chứ không phải bằng vũ lực và sự cưỡng chế. Đó là những người lập quốc Hoa Kỳ, những người tạo ra nước Mỹ, một xã hội tự do đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Mỹ, và hệ thống kinh tế là kết quả tất yếu của hệ thống chính trị chủ nghĩa tư bản Mỹ, hệ thống chủ nghĩa tư bản toàn diện, không bị kiểm soát, và tự do kinh tế.
Đây là nguyên tắc cơ bản của lối sống Mỹ, của hệ thống chính trị Mỹ. Tuy nhiên, trong thực tế, nó chưa bao giờ được thực thi. Một sự tách biệt hoàn toàn giữa chính phủ và kinh tế đã không được thiết lập từ khi bắt đầu. Về nguyên tắc, nó được mặc định như thế, nhưng những kẽ hở hoặc xung đột nhất định vẫn len lõi vào cơ cấu và hiến pháp Mỹ, cho phép những ảnh hưởng của tập thể dần làm suy mòn lối sống Mỹ, và ngày nay nó [lối sống Mỹ] thực sự sụp đổ. Ngày nay, không còn gì ngoài một truyền thống vô định. Phương hướng hoạt động của trí tuệ trong xã hội chúng ta hiện nay là chống-Mỹ và chống-trí-thức. Nó đang quay trở lại với chủ nghĩa huyền học nguyên thủy của chế độ độc tài và cai trị bằng vũ lực. Do đó, Trí thức mới bây giờ nên là những người sẽ đứng lên vì hai giá trị cốt yếu: giá trị của chính cuộc sống cá nhân, của quyền không thể nhượng lại, của lòng tự tôn, của sự tự lập - và giá trị của một xã hội tự do không ép buộc con người dùng vũ lực chống lại nhau.

James McConnell: Bà nói trong cuốn sách của mình, cuốn mới nhất về triết lý “Cho Trí thức mới (For the New Intellectual), rằng trong Nhóm lập quốc Hoa Kỳ của chúng ta, đã nói về quyền mưu cầu hạnh phúc. Bà có nghĩ rằng điều này thực sự quan trọng?

Ayn Rand: Tôi không biết còn gì khác quan trọng hơn nếu bạn gắn chính xác ý nghĩa cho các khái niệm. Mưu cầu hạnh phúc có nghĩa là một người có quyền đặt mục tiêu cho riêng mình, quyền chọn giá trị của mình và đạt được chúng. Hạnh phúc có nghĩa là trạng thái ý thức xuất phát từ việc đạt được các giá trị của bạn. Hiện giờ, điều gì có thể quan trọng hơn hạnh phúc? Nhưng hạnh phúc không có nghĩa đơn giản là những thú vui nhất thời hay bất kỳ sự buông thả vô thức nào. Hạnh phúc có nghĩa là một cảm giác sâu sắc, vô tội, dựa trên lý trí của lòng tự tôn và sự kiêu hãnh về thành tích của chính bản thân họ. Nó có nghĩa là sự tận hưởng cuộc sống, điều chỉ khả dĩ với một người có nguyên tắc đạo đức hợp lẽ. Tôi không thể nói nguyên tắc đó là gì chỉ trong một cuộc phỏng vấn ngắn, nhưng những người quan tâm sẽ tìm thấy nó trong các cuốn sách của tôi, đặc biệt là trong tiểu thuyết Atlas Shrugged.

James McConnell: Thế bà có nghĩ rằng rất quan trọng khi chúng ta cảm thấy vô tội trong cảm xúc của mình về điều này?

Ayn Rand: Tôi thậm chí còn không biết cách trả lời câu hỏi kiểu này như thế nào, vô tội có quan trọng không? Nói theo cách của tôi, tôi muốn nói rằng, điều quan trọng là phải có đạo đức. Tôi sẽ nhấn mạnh sự tích cực, không phải tiêu cực.

James McConnell: Vậy những người trí thức mới mà bà đã nói đến nên nhận trách nhiệm tạo dựng nên những gì mà chúng ta có thể gọi là giải pháp cho cuộc khủng hoảng của nền văn minh. Điều này tác động đến ý thức ngay lập tức, rồi câu hỏi đặt ra là nếu ai đó muốn trở thành một Trí thức mới, anh ta bắt đầu như thế nào? Trí thức mới bắt đầu từ đâu và làm việc như thế nào?

Ayn Rand: Chà, họ sẽ cần một triết lý sống tích hợp, nhất quán, toàn diện. Hiện nay, để chấp nhận hoặc xác định hoặc thậm chí tán thành với một triết lý mới ắt là một quá trình rất dài, đòi hỏi phải tư duy thật cẩn thận, bởi vì một trí thức sẽ không chấp nhận triết học dựa trên đức tin cũng như lời nói tùy tiện. Để đạt được một triết lý mới ắt hẳn là một quá trình lâu dài, và nếu bất kỳ người nào coi trọng vấn đề này và muốn trở thành một trí thức mới, anh ta sẽ phải bắt đầu bằng cách chấp nhận hai tiền đề mà tôi gọi là nền văn minh tối thiểu, cơ bản. Chúng không phải là sự thật hiển nhiên, mà một người sẽ phải chứng minh chúng với chính bản thân mình, anh ta sẽ phải tự thuyết phục chính mình. Sau đó, ý thức của anh ta sẽ được tự do xem xét phần còn lại hoặc các vấn đề khác của triết học. Nhưng hai điều đầu tiên, mà một người sẽ phải tự xác định trước khi anh ta có thể tiến hành, là mối quan hệ của lý trí với cảm xúc và sự xấu xa của vũ lực có liên quan với con người. Tiền đề đầu tiên, mối quan hệ của lý trí với cảm xúc, có nghĩa là một người nếu muốn trở thành một trí thức phải biết tư duy, phán đoán dựa trên lý trí của anh ta khác biệt như thế nào so với cảm xúc, mong muốn, hy vọng, nỗi sợ hãi hay ý thích bất chợt của bản thân. Anh ta phải biết được rằng cảm xúc không phải là công cụ nhận thức, rằng cảm xúc là sản phẩm tiền đề của anh ta, chúng không phải là kim chỉ nam cho thực tại, chúng không phải là một dạng tri thức và nhận thức. Do đó, điều đầu tiên mà một người muốn trở thành một trí thức sẽ phải chấp nhận là một sự hiểu biết hoàn chỉnh về thực tế rằng con người phải được dẫn dắt bởi lý trí và đó là nền tảng lý luận duy nhất mà anh ta có thể tiếp cận những người khác và thảo luận, hợp tác, hoặc cư xử với họ hoặc giao thiệp với họ. Trên cơ sở cảm xúc, anh ta sẽ phải dùng đến vũ lực một cách mù quáng, bởi vì cảm xúc không thuộc về lý trí hay không thể chứng minh được. Nếu hai người hành động dựa trên cảm xúc của họ, họ không có phương tiện giao tiếp. Khi cảm xúc được đặt đúng chỗ, có nghĩa là hệ quả của lý trí, không phải là người dẫn dắt lý trí, thì con người có tiếng nói chung, họ có một phương tiện hiểu biết chung, một khung tham chiếu và quan tòa chung, đó là thực tại.

Theo dõi toàn bộ nội dung tại Youtube channel Reason LLC Channel để có thể tự tìm thấy câu trả lời cho các vấn đề của chính mình.
Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi.


>> Xem các bài viết khác