"Mặc cảm tội lỗi gia đình"

Tara Smith, Onkar Ghate, và Yaron Brook sẽ bàn về vấn đề suy nghĩ độc lập như một cá thể trong mối quan hệ gia đình - một mối quan hệ đặc biệt đối với người theo chủ nghĩa Khách quan.
Bài viết sau đây là các đoạn lược trích từ buổi thảo luận nêu trên.

Tara Smith: Đầu tiên, mỗi chúng ta sẽ bàn luận một tí chủ nghĩa bộ lạc và các mối quan hệ gia đình, rồi dành nhiều thời gian cho phần câu hỏi. Trước hết, cho tôi tham khảo chút xíu trải nghiệm của các bạn. Bao nhiêu bạn ở đây đã nghe người trong gia đình mình nói câu: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, hoặc những điều đại ý là vậy? Để xem, cũng khá nhiều nhỉ. Sao cơ? Vâng. Thế còn bao nhiêu bạn đã gặp thái độ từ những người thân trong gia đình, như kiểu là: “Con họ Heath nhé, hoặc con là người nhà Calabrese nhé. Con sẽ ổn thôi.” Hoặc bạn biết đấy, ít nhất thì cũng ngầm hiểu được cái ý “cách làm của chúng ta là cách đúng đắn vì chúng ta là gia tộc…” rồi gắn cái họ nào đó vô. Bao nhiêu bạn đã có trải nghiệm này trong gia đình mình? Được rồi. Chính tôi đây cũng gặp vụ này rất nhiều từ gia đình mình.

Sáng nay, trong một ngữ cảnh khác, anh Onkar có nhắc tới khái niệm “mặc cảm tội lỗi”. Có ai biết “mặc cảm tội lỗi” theo nghĩa “mặc cảm tội lỗi gia đình” không? Ôi trời, khái niệm này chắc phổ biến nhất rồi. Sáng nay, tôi cũng đã nhận ra rằng, rất nhiều người trong chúng ta vẫn có khuynh hướng chủ nghĩa bộ lạc về một số vấn đề, và tôi ghét phải nói điều này nhưng gia đình đã làm khuynh hướng này phát triển trong tôi. Dù sao, tôi cũng đang cố cải thiện vụ này nhưng cần nỗ lực nhiều. Tôi muốn bàn luận về một vài điểm: tại sao việc ‘gia đình cố tạo áp lực kìm kẹp khủng khiếp lên nhiều người trong chúng ta’ lại được xem là một điều tự nhiên; tại sao một người trưởng thành khách quan khó tìm ra chính xác cách để cư xử với gia đình và để bày tỏ cách làm thế nào để cư xử với gia đình.

À,tôi cho rằng cũng dễ hiểu về việc gia đình lại có thể tạo ra áp lực kìm kẹp khủng khiếp lên tâm trí nhiều người chúng ta. Ấn tượng ban đầu quan trọng mà, đúng không? Khi còn nhỏ, đây là những ấn tượng đầu tiên nhất bạn có được trong cuộc sống - ngay lúc bạn chịu những ảnh hưởng đầu tiên, ý thức về thế giới, cảm nhận về thực tại và về bản thân. Đây là tương quan xã hội đầu tiên bạn đối diện, mà đâu phải chỉ là tương quan xã hội, đúng không? Họ là những người nâng đỡ cho bạn và bạn cần có họ. Tôi cho rằng điều này càng khiến cho bạn khó khăn hơn trong việc giữ khoảng cách và giữ được một góc nhìn khách quan. Thậm chí những nhân vật này: bố mẹ bạn- à, tôi hoàn toàn hiểu rằng chúng ta lớn lên trong những hoàn cảnh không giống nhau, những hình thể gia đình khác nhau- nhưng không giống những người khác, bố mẹ chúng ta có “danh hiệu” riêng. Họ là “Bố” và “Mẹ”. Thậm chí ngay cả anh chị em mình thì bạn cũng sớm nhận thấy “à, có một người dì cũng tên Maria giống chị gái của mình, hoặc trong lớp có một cậu bạn tên Roger, giống anh họ Roger của mình nè. Nhưng chẳng ai tên “Bố” hay “Mẹ” cả.” Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi những gì họ nói hoặc làm đều rất quyền lực trong tâm trí chúng ta. Và những điều “Bố, Mẹ” thể hiện, đặc biệt từ gia đình ruột thịt, trong những năm đầu đời của chúng ta, dù ngấm ngầm hay hiển hiện, đều quan trọng như nhau. Cho nên, tôi cho rằng cũng tự nhiên thôi khi chúng ta thấm nhuần ý tưởng rằng cách của gia đình mình chính là cách đúng đắn để thực hiện mọi việc. Và khi họ bảo rằng con nên làm điều này, con có bổn phận làm việc kia, bạn xem như đó là một sự thật hiển nhiên. Tệ hơn là chẳng ai trong gia đình thắc mắc dù chỉ vài điều trong số đó.

Vậy thì, để nói một tí về lí do tại sao tôi cho rằng dù là một người đã trưởng thành, đôi khi khá là phức tạp để tìm ra cách đánh giá các thành viên trong gia đình và đối xử với họ. Những mong đợi từ gia đình thường không thành lời. Có rất rất nhiều điều trong gia đình bị để bỏ ngỏ: những ấm ức, oán giận cách đây cả chục năm…Rất nhiều gia đình không thích nói rõ ràng mọi chuyện một cách ra ngô ra khoai và một số thứ có thể đeo bám và gây ảnh hưởng lên những mối quan hệ trong tương lai. Tôi muốn lặp lại rằng, những tương quan, đánh giá không lành mạnh từ những thành viên trong gia đình có thể trở nên tồi tệ hơn khi tất cả mọi người còn lại trong gia đình đều đồng tình và bạn sẽ trở nên đặc biệt kì cục nếu có mỗi bạn nghi ngờ điều gì đó. Thường thì truyền thống gia đình lại xuất phát từ những người mà bản thân họ cũng không có nền tảng lí trí gì cho cam, đúng không? Tôi muốn nói là nhiều người còn có những niềm tin triết lí sai trái, một số người có vấn đề về lòng tự tôn, hoặc vấn đề về cảm giác an toàn. Tất cả gom chung một chỗ với nhau. Rồi thì xã hội lại củng cố cho quan điểm gia đình là tất cả.

Thậm chí hồi tuần rồi, trong tàn dư của cuộc thảm sát kinh hoàng ở Pittsburgh, một số học giả uyên thâm còn nói “nhưng chúng ta vẫn là một gia đình.” Này nhé, tôi đồng ý một số điều họ muốn truyền đạt rằng “gia đình là quan trọng” thì cũng đúng, cũng chính đáng. Đúng không? Mùa lễ hội sắp đến, lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh…Ai cũng nghỉ lễ, đặc biệt là những ngày lễ lớn cùng với gia đình. Đúng không? Dù cho cái giá đắt đỏ, nhiều khó khăn, đi lại xa xôi…đúng không? “Ủa, bạn không nghỉ lễ cùng gia đình à? Giáng Sinh mà. Bạn bị gì rồi.” Dù không nói ra thì người ta cũng nghĩ vậy. Vậy nên có vẻ như gia đình giữ một vị trí đặc biệt. Nếu không thì, cũng là một yếu tố phức tạp. Đôi khi bạn thật sự cũng nợ gia đình một số thứ chứ. Thông điệp ở đây không phải là “Ồ, biết sao không, người lớn xíu đi. Theo chủ nghĩa khách quan hả? Gia đình chả quan tâm đâu”. Tôi thừa nhận có rất nhiều điều tốt đẹp đến từ gia đình và từ các thành viên trong gia đình. Hoàn toàn có thể, từ lập trường vị kỉ chứ không phải vị tha, bạn vẫn mắc nợ những người trong gia đình, thậm chí là nợ những phiền toái thỉnh thoảng bạn gây ra cho họ, đúng không? Một sự phiền toái thì không có nghĩa là một hi sinh- hai khái niệm này không giống nhau. Có thể bạn trân trọng một số người trong cuộc sống, trong gia đình bạn. Bạn có thể đã đạt được nhiều ích lợi theo các cách khác nhau. Vâng, nhưng thường thì nó cũng phức tạp trong trường hợp “à, con đâu có đòi hỏi mấy lợi ích đó lúc con 2 tuổi hay hồi 7 tuổi đâu”.

Dù sao đi nữa, bạn cũng đã hưởng nhiều lợi ích theo nhiều cách khác nhau; bạn cũng có thể thích thú những phẩm chất nào đó của những người trong nhà mình; có điều gì đó thật quen thuộc dễ chịu của việc có chung những trải nghiệm, những kì nghỉ mát cùng nhau, đại khái vậy. Đó có thể là nền tảng cho những mối quan hệ tích cực với một người anh chị em sau cỡ vài chục năm gì đó.

Thôi thì, để tôi nói thêm một chút về việc “cư xử với những người trong gia đình như thế nào là một việc làm hợp lí”. Nói chung là, phải xét họ như những cá nhân trưởng thành và có trách nhiệm. Bạn biết đấy, như người lớn, những cá nhân độc lập. Cho nên, hãy sẵn sàng nhận xét rằng: người anh này của mình thật tuyệt, em gái thì chẳng có tí gì là gợi cảm. Chỉ thế thôi, được chứ? Bác Joe thì mình luôn thấy hơi đạo đức giả trong khi chú Billy thì thật sinh động, chơi với chú thì tuyệt vời luôn và mình sẵn sàng làm việc vặt giúp chú. Mình sẵn lòng ghé bệnh viện thăm chú, ví dụ vậy. Tóm lại, hãy đánh giá họ như những cá nhân riêng lẻ. Hãy nhận ra rằng hai tiếng “gia đình” khi được viện dẫn ra không trở thành một chiếc vé “thoát trách nhiệm” cho bất kì ai. Một giọt máu đào cũng không hơn một ao lí lẽ được, đúng chứ? Thế nên, hãy đánh giá họ theo cá nhân nhưng công bằng, được không? Phẩm hạnh của sự công bằng. Hãy đánh giá họ một cách khách quan. Đặt vào một ngữ cảnh cụ thể để đánh giá. Tôi có hơi cá nhân một xíu, nhưng ý tôi là bạn nên đánh giá mọi người trong một ngữ cảnh cụ thể. Bạn đã từng nghe rồi đó, hãy suy nghĩ có lí trí. Trong trường hợp này, hãy tự đặt câu hỏi về động cơ của bạn: Tại sao tôi lại làm việc này? Tại sao tôi lại muốn như vậy? Có phải chỉ vì tôi muốn nhượng bộ trước yêu cầu của mẹ mình không? Có phải chỉ là do cảm giác tội lỗi? Hay xuất phát từ suy nghĩ: “không, thật sự là có một giá trị chính đáng ở đây.” Cho nên, tôi tin rằng phải đặt nhiều câu hỏi tự vấn nhằm tìm ra những cách thức hợp lí để cư xử với gia đình…Tạm thời là vậy.

Yaron Brook: Những điều cô chia sẻ thật tuyệt. Tôi hoàn toàn đồng ý với cô Tara đây, nên tôi muốn đi sâu thêm ở một vài điểm. Chính vì cảm giác tội lỗi khiến việc đánh giá và nhận xét càng thêm khó khăn. Bạn cần ý thức rõ điều này, cũng như sự thật là bạn còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm phần nào cũng là lí do. Rồi cũng khó để khách quan về những mối quan hệ gắn bó như vậy - họ là một phần trong cuộc sống của đa số chúng ta, trong suốt 18 năm ròng rã, đúng không? Trong từng ấy thời gian. Rồi đa số các bậc cha mẹ, cụ thể là những ai theo Thiên Chúa Giáo hay là người gốc Do Thái thì còn hay gán cho con cái kiểu cảm giác tội lỗi “tốt”, một cảm xúc càng khó xử lí. Bạn có cảm giác tội lỗi tốt đẹp, tội lỗi từ phía gia đình thì luôn là cảm giác tốt đẹp ư? Làm gì có cái gì gọi là cảm giác tội lỗi tốt đẹp? Chỉ có khái niệm tội lỗi “đáng” và “không đáng”. Trường hợp này, rõ ràng là loại tội lỗi “không đáng”. Vì sao? Vì bạn chỉ là một đứa trẻ thôi, đúng không? Làm sao bạn có thể chịu đựng nổi những cảm giác đó.

Thế là bạn nổi loạn- đa số chúng ta hồi tuổi mới lớn đều nổi loạn, có khi theo cách hợp lí và có khi vô lí. Bản thân tôi hồi đó rõ ràng đã nổi loạn theo cách vô lí. Vì lúc đó tôi không có được cái cơ sở mà 5,7 năm sau tôi mới có. Cho nên mọi việc sẽ diễn ra theo hướng: họ thì không biết chuyện gì xảy ra và bạn thì loay hoay- Họ chẳng giúp được gì trong khi bạn thì “chắc phải có vài điều tốt đẹp ở đó, chắc có một số điều hay ho ở kia”. Thế là bạn hoặc trở nên khúm núm phụ thuộc hoặc nổi loạn chỉ vì thích nổi loạn. Phải nói lại là thử thách này thật chẳng dễ dàng gì, đặc biệt là đối với gia đình, vì tất cả những lí do đã đề cập ở trên. Và cũng vì nếu là một gia đình tốt, họ đã cho bạn nhiều thứ, đúng không? Quan trọng là họ đã cho bạn cuộc sống này, đúng không? Họ còn nuôi dưỡng bạn trong suốt 18 năm. Thì đúng là họ chọn lựa như vậy, nhưng dù sao họ cũng đã nuôi dưỡng bạn 18 năm trời. Cho nên, về mặt này, họ đã trao cho bạn rất nhiều thứ. Để có thể rõ ràng về mọi thứ và khách quan nhận xét bố mẹ mình thì rất khó. Và đó cũng là một phần lí do tại sao nhiều năm sau khi nhìn lại và chúng ta vẫn cảm thấy khó khăn khi tháo gỡ mọi thứ…đại khái vậy đó. Nhưng có một điều bạn cần phải nắm rõ: đây là cuộc sống của bạn, không phải của họ. Tôi biết nó khá cơ bản và nếu có đọc tiểu thuyết “Suối Nguồn”, bạn sẽ thấy ý tưởng này xuyên suốt tác phẩm: quan trọng là bạn, không phải họ. Bạn cần phải phát triển sự độc lập trong suy nghĩ/tư duy và trong cuộc sống. Bạn không nghiễm nhiên nợ bố mẹ bất cứ điều gì. Bạn nợ họ sự công bằng. Nếu họ tốt với bạn, bạn nợ họ. Bạn nợ họ như cách bạn sẽ đối với bất cứ người nào tốt. Bạn nợ họ sự công bằng ấy. Bạn không nghiễm nhiên nợ họ sự phục tùng, hay tình yêu thương. Bạn không nghiễm nhiên nợ họ bất cứ điều gì hết. Cảm giác mang nợ này phải dựa trên sự đánh giá của bạn hôm nay về cách họ đã đối với bạn trong suốt quá trình bạn trưởng thành, cũng như những giá trị mà họ đã đóng góp cho cuộc sống của bạn hiện tại, ngay thời điểm bạn đang sống đây.

Tôi có một cuộc phỏng vấn với nhà tâm lý học tiến hoá Gad Saad -chắc nhiều bạn cũng biết tới ông ấy rồi. Lúc đang trực tuyến thì ông có nói một điều đại khái là: ai cũng sẽ nhảy xuống sông để cứu con cái của mình, một giọt máu đào…đúng không? Và chúng ta đã được lập trình một cách tiến hoá để thương yêu con cái và để nhảy xuống sông cứu chúng- và chúng thì được lập trình để yêu thương cha mẹ. Chúng ta buộc phải làm vậy, không có sự lựa chọn. Khoan đã, thật vậy ư? Còn những bậc phụ huynh không sẵn sàng nhảy xuống sông cứu con mình, mà còn ngược đãi chúng thì sao? Còn trường hợp đứa con mà bạn không thương thì sao? Người cha, mẹ mà bạn không thương được thì sao? Chẳng có gì tự động xảy ra ở đây hết. Cũng có, nhưng có vẻ như vì suốt 18 năm trời chúng ta sống trong môi trường riêng biệt này. Chúng ta phải đối diện với họ và nghe họ nói rằng họ yêu thương chúng ta nhiều bao nhiêu và rằng chúng ta được mong đợi là phải đáp lại tình yêu thương này. Thật khó khăn để có thể tự chủ, suy nghĩ độc lập trong mối quan hệ đặc biệt này.

Và có thể, nói về các mối quan hệ thì đây là mối quan hệ khó khăn nhất vì trong từng ấy thời gian cộng thêm yếu tố văn hoá, như Tara đã nói: cả một nền văn hoá củng cố cho quan điểm đó, rồi các nhà sinh vật học tiến hoá giờ đây cũng bảo chúng ta rằng nó tồn tại trong gien chúng ta rồi, đúng không? Cho tới những vị theo trường phái tâm linh bảo thủ cho rằng xã hội mới là một chỉnh thể. Có phải những người Mỹ theo phe bảo thủ đã liên tục nói rằng xã hội mới là một chỉnh thể, không phải cá nhân? Dù là ngài Santorum hay ông Jeff Sessions đều luôn khẳng định gia đình mới chính là một chỉnh thể xã hội quan trọng, và điều họ nói liên tục được củng cố. Tại sao vậy? Sao lại là gia đình, mà không phải là bản thân bạn? Nhớ lại buổi nói chuyện của Greg, tôi không có dự nhưng tôi có biết là Greg đã đặt câu hỏi “vậy chỉnh thể là gì”, đúng không? Khó nhỉ. Tôi cho rằng gia đình là một trong những mối quan hệ khó nhằn nhất trong các mối quan hệ của con người, có thể xem là mối quan hệ khó khăn nhất trong việc xác định được vị trí của bạn cũng như trong việc thiết lập nên sự độc lập cá nhân mà không phải nổi loạn chỉ để nổi loạn, vốn là một phần khác của mối quan hệ này. Vậy, bạn biết đó, bạn phải là chính mình. Bạn phải nghĩ cho mình và càng khách quan càng tốt khi đánh giá mối quan hệ với bố mẹ, anh chị em. Và tôi biết rất nhiều người vẫn còn nhìn nhận việc nghỉ lễ bên gia đình là bổn phận. Thật sự rất khó, đặc biệt khi bạn sống gần với họ. Nếu bạn không nghỉ lễ với họ thì giống như là một sứt mẻ khủng khiếp, đúng không? Một lời khuyên nhỏ nhé: hãy dọn đi chỗ khác sống, xa một chút. Việc sống xa gia đình sẽ khiến việc này trở nên dễ dàng hơn nhiều. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể nói là giữ thái độ khách quan sẽ dễ hơn rất nhiều vì bạn không gắn liền với họ trong cuộc sống hằng ngày nữa. Nhưng đúng thật đây là một thách thức vì gia đình là “bộ lạc” đầu tiên và đa số các bậc cha mẹ muốn giữ gia đình mình theo hình thức bộ lạc. Và nếu bạn cố tách mình ra khỏi bộ lạc này, để được là chính mình, riêng mình, thì khó khăn vô cùng.

Onkar Ghate: Tôi sẽ thêm vào, thật ra là lặp lại 2 điều đã được đề cập một cách ngắn gọn nhé. Chúng ta đã biết Ayn Rand khuyên rằng hãy luôn phán xét và tôi nghĩ đây là một lĩnh vực mà việc phán xét cực kì quan trọng. Khổ nỗi, đi kèm với một lời phán xét là một vết hằn đáng xấu hổ. Thế là lời phán xét trở nên tiêu cực trong khi nó đâu có nghĩa phải tiêu cực, nó phải là một lời phán xét khách quan. Và nếu bố mẹ bạn tử tế, theo chừng mực nào đó, thì sự phán xét phải vô cùng tích cực để họ có thể đóng góp thật nhiều trong cuộc đời của bạn. Và thậm chí nếu bạn bất đồng quan điểm với những điều họ làm và giờ đây khi nhìn nhận lại với tư cách một bậc phụ huynh, hoặc một người sắp trở thành cha, thành mẹ với suy nghĩ rằng: “tôi sẽ làm khác đi” thì cũng không có nghĩa là họ đã không cố gắng hết sức.

Và vì thế tôi cho rằng, một trong những điều tồi tệ nhất có thể giáng xuống một cá nhân là có cha mẹ luôn mắng chửi, sỉ nhục mình bởi vì bạn không được trang bị cách đối phó, và vì tính chất mối quan hệ này mà bạn khó lòng đánh giá hay phán xét chính bố mẹ mình…đại loại vậy. Nhưng nếu bất kì vị phụ huynh nào cố gắng thì sẽ thấy việc này khó khăn vô cùng. Và cũng vì khi vẫn còn đang trong giai đoạn trưởng thành, bạn không có được góc nhìn đó. Bạn có khuynh hướng cho rằng ừ thì bố mẹ bạn biết tất cả và có thể làm mọi việc. Nhưng họ đâu thể như vậy. Họ đâu có biết được tất cả mọi thứ trên đời. Vậy nên, để có được một góc nhìn khách quan, bạn nên suy nghĩ là, việc này thật sự đâu có dễ, dù sao thì bố mẹ cũng đã rất tốt theo một chừng mực nào đó. Bạn thật sự nên có một sự đánh giá tích cực.

Nhưng tôi cũng nghĩ về khía cạnh còn lại, để trở thành một người trưởng thành, bạn trở thành “một cá nhân”, theo như Rand nói. Và trong một mối quan hệ thì cả hai người đều phải cố gắng để có được một mối quan hệ trưởng thành. Tôi thấy việc ba mẹ không coi con mình vẫn là một đứa trẻ mà là một người lớn như mình thì khó lắm. Nhưng người con cũng phải chứng tỏ mình đã lớn. Tôi đã chứng kiến nhiều mối quan hệ mà người ta cứ than phiền là ba mẹ họ vẫn cư xử với họ như đối với trẻ con. Và tôi đã trả lời vầy: Chứ bạn mong muốn gì trong khi bạn vẫn hành xử như một đứa trẻ trước mặt họ? Bạn khẳng định bạn có cuộc đời riêng của mình, bạn có những giá trị riêng…Tôi không chê trách gì việc bạn làm nhé. Bạn nghĩ rằng: đây là cuộc đời tôi, đây là những giá trị, sở thích của tôi, trong khi những điều này của bố mẹ đã không còn đồng bộ với bạn nữa. Nhưng bạn vẫn hoàn toàn có thể duy trì một mối quan hệ thực sự chứ, như kiểu bạn vẫn có những người bạn mà bạn bất đồng ý kiến vậy. Nhưng nếu cố trở thành người lớn, bạn phải cố đối diện với bố mẹ mình như những cá nhân riêng lẻ. Điều này cũng có nghĩa là họ có cuộc sống của họ với những sở thích riêng và không phải cứ lúc nào tôi cần tới họ là tôi hi vọng họ sẽ từ bỏ mọi thứ để quan tâm tới tôi. Nhưng rồi tới lúc họ bắt đầu đối xử với bạn như một đứa trẻ và muốn duy trì mối quan hệ này thì bạn lại hỏi: “Ba mẹ làm gì vậy? Con lớn rồi mà.”. Cho nên, cần nhiều nỗ lực để thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp. Và cả hai bên đều phải cố gắng. Nếu không phải cả hai cùng cố gắng, rất khó khăn để lèo lái mối quan hệ.

Phần tiếp theo là phần hỏi đáp của 3 diễn giả với khán giả tham dự. Theo dõi toàn bộ nội dung tại Youtube channel Reason LLC Channel. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi.


>> Xem các bài viết khác